Cần làm gì khi bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành?

* Bạn đọc hỏi: bà Nguyễn Thị An, trú TP Đà Nẵng, hỏi: Tôi có mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 2004. Năm 2018, tôi thực hiện thủ tục đăng ký biến động (đăng ký tài sản trên đất) vào GCNQSDĐ nhưng UBND quận X. không thực hiện và ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ đã cấp cho tôi với lý do đất của tôi bị chồng lên diện tích đất của người khác. Tôi đã khởi kiện việc này, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm và tuyên công nhận GCNQSDĐ đã cấp cho tôi và buộc UBND quận X. thực hiện thủ tục đăng ký biến động vào GCNQSDĐ cho tôi. Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực, UBND quận X. vẫn đưa ra nhiều lý do và không tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký biến động cho tôi. Vậy tôi cần làm gì để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

* Luật sư Nguyễn Thị Sáu Hạnh - Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng), trả lời: Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án và điểm b khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì UBND quận X. có trách nhiệm thi hành bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án của Tòa án. Khi hết thời hạn nêu trên mà UBND quận X. không tự nguyện thi hành, bà An có quyền đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm (trong trường hợp này là TAND TP Đà nẵng) ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với UBND quận X. (theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 11 Nghị định 71/2016/NĐ-CP). Trường hợp, xảy ra việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án, người đứng đầu tổ chức phải thi hành án (Chủ tịch UBND quận X.) phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về hành vi chậm trễ hoặc không thi hành bản án này. Bà An căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 và Điều 8 Nghị định 71/2016/NĐ-CP có quyền đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án) kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm và xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên. Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong trường hợp đã hết thời hạn thi hành án tự nguyện, trước tiên, bà An nên yêu cầu TAND TP Đà Nẵng ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với UBND quận X. Sau đó, bà An có thể đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và xử lý trách nhiệm khi có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_233545_can-lam-gi-khi-ban-an-hanh-chinh-da-co-hieu-luc-phap-luat-nhung-khong-duoc-thi-hanh-.aspx