Cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp?

Lợi ích của việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) là rất rõ, nhưng vì sao tốc độ cấp giấy còn chậm? Các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần làm gì để việc cấp giấy chứng nhận vừa nhanh, vừa chính xác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội? Phóng viên Hà Nội Ngày nay xin gửi tới bạn đọc một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KHCN Hà Nội:
Đòn bẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19-5-2007 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN, đến nay, Sở KHCN Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 63 doanh nghiệp, tiếp nhận 13 giấy chứng nhận do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN cấp. Tổng số doanh nghiệp KHCN của Hà Nội hiện là 76, đứng thứ hai cả nước. Các doanh nghiệp KHCN hoạt động trên các lĩnh vực quan trọng, có tác động đến nhiều ngành, bao gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - y tế, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm ngoại nhập, nhưng các doanh nghiệp KHCN đã rất nỗ lực để thương mại hóa sản phẩm; một số đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, cung cấp sản phẩm cho dự án đầu tư công... Việc được chứng nhận doanh nghiệp KHCN là đòn bẩy cho việc phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp KHCN không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu vào ứng dụng trong sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực. Thương hiệu “Doanh nghiệp KHCN” tạo niềm tin ban đầu cho khách hàng về một sản phẩm mới; tạo động lực và thế cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu KHCN, thương mại hóa các sản phẩm KHCN đã được chứng nhận là bảo đảm chất lượng. Từ đó, sản phẩm công nghệ được nhiều khách hàng sử dụng, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận đang gặp nhiều thách thức, rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện công nhận, do 3 nguyên nhân chủ yếu là: Thứ nhất, quá trình thẩm định hồ sơ cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích còn quá dài nên rất ít doanh nghiệp đăng ký bảo hộ. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp làm giảm số lượng doanh nghiệp KHCN.

Thứ hai, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng (với doanh nghiệp nhận kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước) còn phức tạp hoặc chưa được hướng dẫn đầy đủ. Còn với doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước thì mới có rất ít doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ hoặc “chưa đủ sức hấp dẫn”, hoặc vẫn “nằm trong văn bản”. Trong số 63 doanh nghiệp được Sở KHCN Hà Nội cấp chứng nhận, chỉ có 6 doanh nghiệp đạt doanh thu theo quy định để hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Số còn lại hoặc là chưa phát sinh thu nhập chịu thuế (lợi nhuận âm), hoặc là chưa đủ doanh thu như quy định. Mới có một doanh nghiệp được ưu tiên thuê đất với mức giá thấp. Các hình thức ưu đãi khác thì chưa doanh nghiệp nào được thụ hưởng. Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN là căn cứ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp. Giấy chứng nhận doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN.

Để thực hiện Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KHCN và đạt mục tiêu Hà Nội có 200 doanh nghiệp KHCN vào năm 2025, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 28-2-2020 “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”. Có 7 giải pháp cơ bản được triển khai đồng bộ. Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách kết hợp điều tra khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp KHCN. Thứ hai, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng ươm tạo, hoàn thiện, làm chủ công nghệ, trực tiếp sản xuất sản phẩm từ kết quả KHCN, làm cơ sở thành lập doanh nghiệp KHCN. Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN tiếp tục đổi mới công nghệ để phát triển bền vững. Thứ năm, hướng dẫn doanh nghiệp có hoạt động KHCN hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định. Thứ sáu, làm tốt công tác khen thưởng. Thứ bảy, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KHCN.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách Khoa Hà Nội:
Chú trọng tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm

Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách Khoa Hà Nội (BKEET) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu, chủ động thiết kế, chế tạo thành công nhiều loại lò đốt rác sử dụng công nghệ hiện đại BD-Alpha như: Lò rác nguy hại, lò đốt rác y tế, lò đốt rác công nghiệp có tận dụng nhiệt để sinh hơi, lò đốt rác sinh hoạt... Các sản phẩm của BKEET được đánh giá cao bởi các doanh nghiệp sử dụng, Bộ Xây dựng, Bộ KHCN, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2014, Công ty BKEET vinh dự đón nhận danh hiệu “Doanh nghiệp KHCN”, là một trong 20 doanh nghiệp KHCN tiêu biểu của Thủ đô.

Chứng nhận doanh nghiệp KHCN là sự ghi nhận quá trình nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp trong việc áp dụng, sáng tạo, vươn lên làm chủ KHCN, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Từ dấu mốc quan trọng đó, chúng tôi càng ý thức sâu sắc hơn trong việc phấn đấu để ngày càng tăng hàm lượng KHCN trong sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thế Anh, cổ đông sáng lập, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Công nghệ Plasma Việt Nam:
Cần sự hỗ trợ, ưu đãi thiết thực từ các cấp, ngành

Công ty cổ phần Công nghệ Plasma Việt Nam (PLT) là doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ Plasma lạnh, ứng dụng trong điều trị vết thương theo phương pháp mới, hiệu quả cao và tiết giảm thời gian, kinh phí điều trị. Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là áp dụng những công nghệ tiên tiến với chất lượng tốt nhất, đem đến sự hài lòng cho đối tác, khách hàng, cổ đông và người lao động.

Sản phẩm của doanh nghiệp được Sở KHCN Hà Nội đánh giá cao về hàm lượng KHCN, chất lượng và hiệu quả. PLT được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN năm 2016. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, cụ thể: Được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được Sở KHCN Hà Nội giới thiệu phát triển thương hiệu, được tham gia các hiệp hội doanh nghiệp... Nhờ đó, vị thế, uy tín của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, doanh nghiệp rất mong nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi thiết thực từ các cấp, ngành, cơ quan chức năng, cụ thể là: Thông tin về ưu đãi thuê đất, về các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, tư vấn pháp lý và các kênh hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm...

Hảo Nguyễn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/972831/can-lam-gi-de-day-nhanh-tien-do-cap-giay-chung-nhan-cho-doanh-nghiep