Cần làm đến cùng về trách nhiệm của người nhờ vả nâng điểm

Đến thời điểm này, sai phạm trong việc nâng điểm thi THPT quốc gia tại hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La đã hoàn tất quá trình điều tra, xác minh, danh sách các thí sinh nằm trong diện được can thiệp, sửa điểm đã có, nhưng Bộ GD&ĐT cho rằng cần cân nhắc khi công khai danh sách. Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm: Công khai danh sách không quan trọng bằng việc làm đến cùng trách nhiệm của người nhờ nâng điểm.

Công khai danh sách vi phạm thuộc thẩm quyền của Bộ Công an

Theo thông tin từ ông Bùi Trọng Đắc, GĐ Sở GD&ĐT Hòa Bình: Sở đã hoàn tất các công việc mà Bộ GD&ĐT giao liên quan đến cập nhật lại điểm cho thí sinh sau kết quả chấm thẩm định.

Tuy nhiên, ông khẳng định, cũng có nhiều thí sinh trong danh sách thẩm định lại kết quả không nhập học tại các trường trúng tuyển. Đồng thời giữ quan điểm không công khai danh sách thí sinh.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tại cuộc họp báo định kỳ quý I năm 2019 cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT là không dung túng cho sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm trong khuôn khổ quy chế và pháp luật hiện hành đối với những sai phạm thi cử tại Sơn La và Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Việc xử lý kết quả chấm thẩm định cũng theo quan điểm này. Quy định của quy chế hiện hành, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi. Chính vì vậy mà Bộ đã có hướng dẫn Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sở GD&ĐT Sơn La, Cục Đào tạo, Bộ Công an, Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng cùng các trường ĐH, CĐ khác để xử lý sự việc. Các đơn vị cũng đã có có sự liên thông để giải quyết về vấn đề này.

Về việc công khai danh tính thí sinh và phụ huynh phải tuân thủ vào Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2016 và căn cứ vào tình hình thực tiễn của CQĐT, ở đây là Bộ Công an. Việc công bố thời điểm nào, công bố đến đâu thuộc thẩm quyển của Bộ Công an.

Tuy nhiên, quan điểm của GS Phạm Tất Dong- nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lại cho rằng: Những người làm sai đương nhiên phải công khai. Vì sao phải giấu? Công khai cũng chính là giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong những năm sau.

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT trả lời về câu hỏi liên quan đến danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, Sơn La – Vấn đề được quan tâm nhất tại họp báo định kỳ quý I của Bộ GD&ĐT. Ảnh P.T

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT trả lời về câu hỏi liên quan đến danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, Sơn La – Vấn đề được quan tâm nhất tại họp báo định kỳ quý I của Bộ GD&ĐT. Ảnh P.T

Cần làm đến cùng về trách nhiệm của người nhờ vả nâng điểm

Liên quan đến chuyện có công khai danh sách thí sinh được can thiệp nâng, sửa điểm thi hay không, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Việc công khai danh sách thí sinh nâng điểm cần thiết hay không còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Vấn đề là trước tiên phải nhìn nhận đúng trách nhiệm của người lớn. Với các phụ huynh bắt tay với cán bộ giáo dục để nâng điểm khống thì phải xử lý nghiêm. Những người đứng đầu các tỉnh có xảy ra vụ tiêu cực nghiêm trọng này cũng phải nghiêm túc kiểm điểm và có biện pháp xử lý, chịu trách nhiệm.

TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Phải làm tới cùng là truy trách nhiệm của những người nhờ vả nâng điểm. Họ là ai? Bây giờ muốn công khai danh sách, nhưng thực tế là sai phạm này bắt đầu từ người lớn trước. Trên thực tế, khi danh sách này gửi đến các trường ĐH, nếu có thí sinh không đủ điều kiện, các trường sẽ đúng quy chế mà làm: Đình chỉ buộc thôi học. Nhưng còn những người nhờ vả nâng điểm thì sao, có trách nhiệm gì không?

Hiện nay theo tình hình giáo dục trong nước thì rõ ràng, định hướng học, thi, chọn trường của các em có sự tham gia nhiều của người lớn. Nhìn vào kết quả điều tra gian lận, bài thi được sửa nhiều nhất lên tới 9 điểm, tổng điểm được sửa nhiều nhất lên tới 26,55 điểm. Nghĩa là đang điểm liệt cũng nhiều khả năng thành thủ khoa. Nếu không bị phát hiện thì rất có thể vi phạm sẽ tiếp tục lặp lại. Mà trách nhiệm này, chủ yếu thuộc về người lớn.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội từng nêu quan điểm: “Phần nhiều là các thí sinh không có lỗi”. Việc rà soát lại, các trường nếu có thí sinh liên quan đến gian lận, đình chỉ học tập thì thiếu một hai chỉ tiêu thực tế không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Nhưng từ vụ việc lần này, GS. TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng: Trong công tác tổ chức cần rút kinh nghiệm để có sàng lọc về mặt kỹ thuật một cách tối đa, đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-lam-den-cung-ve-trach-nhiem-cua-nguoi-nho-va-nang-diem-141818.html