CẦN KIỆN TOÀN LẠI HỆ THỐNG THÚ Y THỐNG NHẤT TRONG TOÀN QUỐC

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị 'Đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan thú y các cấp' vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng cần kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc. Việc làm này nhằm giúp cho các địa phương thực hiện tốt việc quản lý chăn nuôi, thú y, thủy sản, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật về thú y, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan thú y các cấp”. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị là cần kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc.

Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho biết: Hiện việc tổ chức hệ thống cơ quan thú y ở cơ sở còn một số bất cập. Theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y, hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y ở Trung ương là Cục thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại các tỉnh, thành phố được chia thành 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà phát biểu tại Hội nghị.

Trong các năm 2018, 2019 các tỉnh/thành phố cùng một lúc phải thực hiện Luật Thú y, Nghị định 35/2016/NĐ-CP; Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII; Chỉ thị 34/CT-TW của Ban Bí thư thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung không đồng bộ với nhau nhưng không có cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19-NQ/TW về kiện toàn hệ thống cơ quan thú y ở các địa phương lại rất khác nhau.

Ở một số tỉnh sáp nhập Chi cục chăn nuôi thú y và một số chi cục thủy sản thành một chi cục để thu gọn đầu mối; một số nơi sáp nhập Chi cục Thú y và Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Trung tâm khuyến nông và Trung tâm thủy sản thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh; một số tỉnh khác lại giữ nguyên chi cục thú y không sáp nhập. Ở cấp huyện, đa số các huyện sáp nhập trạm chăn nuôi thú y và một số đơn vị khác thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Chức năng quản lý nhà nước của trạm được chuyển cho phòng nông nghiệp huyện. Một số địa phương thành lập các Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục chăn nuôi thú y, Chi cục thủy sản để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thay trạm huyện. Ở cấp xã, trước năm 2018 có đội ngũ cán bộ thú y xã do cấp tỉnh thành lập nhưng đến nay các xã không có nhân viên thú y riêng và mà thực hiện kiểm nhiệm với nhiệm vụ khác.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đóng góp ý kiến.

Trước những bất cập, hạn chế trên, đóng góp ý kiến vào tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan Thú y các cấp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Căn cứ Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với Chính phủ củng cố kiện toàn hệ thống thú y để tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương. Việc làm này giúp cho các địa phương thực hiện tốt việc quản lý chăn nuôi, thú y, thủy sản, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả, có chế độ chính sách phù hợp (nhất là hệ thống thú y xã, phường, thị trấn) đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển chăn nuôi, thủy sản, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới (theo xu thế hội nhấp, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật).

Đề xuất kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc. Vì Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định cụ thể việc sáp nhập 3 cơ quan: Trạm Chăn nuôi Thú y, trạm Khuyến nông, trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện quản lý nên nhiều tỉnh đã triển khai thực hiện, nếu tái lập Trạm Chăn nuôi và thú y cần sửa Nghị quyết 19 hoặc có hướng dẫn tái lập trạm Chăn nuôi và thú y, trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, trạm Khuyến nông.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga đóng góp ý kiến.

Nếu không tái lập Trạm Chăn nuôi và Thú y, đề nghị Bộ Nội vụ có Thông tư hướng dẫn quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố. (Vì Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định chuyển chức năng quản lý nhà nước của Trạm chăn nuôi và thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế nhưng chưa có thông tư hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan này). Đồng thời quy định rõ số lượng cán bộ có chuyên môn chăn nuôi thú y tại phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để đảm bảo đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Còn đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến: Qua giám sát, quản lý thú y tốt thì sẽ phòng chống dịch bệnh lây lan. Việc quản lý chuyên ngành cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Quốc hội, qua giám sát cho thấy, nhận thức của các địa phương còn chưa đầy đủ về chuyển trạm thú y về trung tâm dịch vụ nhưng trung tâm dịch vụ lại không có chức năng quản lý Nhà nước nên rất khó khăn cho công tác quản lý thú y và kiểm dịch bệnh. Một số nơi chuyển trạm về trung tâm dịch vụ nhưng biên chế nhân lực không có nhiều nên công tác thực hiện Thú y còn hạn chế. Cơ sở giết mổ gia cầm ở các địa phương nhiều nhưng hệ thống quản lý còn yếu.

Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, hiện nay, nhiều cán bộ thú y là kiêm nhiệm, không phải chuyên ngành, nhận thức về mặt pháp luật còn chưa đầy đủ. Vì vậy, các Bộ ngành cần phối hợp với các địa phương khắc phục những bất cập trên và cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bộ máy về quản lý, chăm sóc thú y.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng nêu quan điểm.

Phát biểu kết luận về vấn để trên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Ngành Thú y đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển ngành Chăn nuôi nói riêng, lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung và sự phát triển kinh tế-xã hội.

Hệ thống Thú y Việt Nam đã có bề dầy hoạt động hơn 70 năm từ cấp Trung ương tới địa phương. Với hệ thống như vậy về cơ bản là tương tự như ở các quốc gia có ngành Chăn nuôi phát triển. Trong những năm qua, công tác thú y luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và Quốc hội đã ban hành Luật Thú y năm 2015. Mỗi khi đất nước có dịch bệnh thì cả hệ thống chính trị đều tham gia phòng chống dịch. Người dân đều được các cơ quan, chính quyền các cấp quan tâm.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, một số địa phương có những cách triển khai khác nhau, có sự lúng túng nhất định đối với hệ thống thú y của địa phương mình nên cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn. Luật Thú y qua 5 năm thực hiện cho thấy một số nội dung không còn mang tính thời sự. Trước công tác thú y, mạng lưới thú y có một số thay đổi và tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đánh giá cao các quan điểm của đại biểu tham dự về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết những ý kiến đóng góp tại Hội nghị đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu trên tinh thần xây dựng để lập báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cấp có thẩm quyền xem xét./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50326