Cần kiên quyết giải thể, cho phá sản doanh nghiệp yếu kém

Với những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, thất thoát hao tổn nguồn lực nhà nước, cần kiên quyết cho phá sản, giải thể để dồn lực cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác phát triển.

Doanh nghiệp nhà nước cần gắn thu nhập của người lao động với hiệu quả hoạt động thực tế.

Doanh nghiệp nhà nước cần gắn thu nhập của người lao động với hiệu quả hoạt động thực tế.

Hiện nay còn khá nhiều dự án, công trình của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước triển khai chậm tiến độ, kém hiệu quả hoặc thua lỗ kéo dài… đã và đang gây lãng phí, thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước và tạo bức xúc trong dư luận xã hội. Với những trường hợp đó, cần mạnh dạn, kiên quyết cho phá sản, giải thể để dồn nguồn lực cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác phát triển. Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, một trong những mục tiêu trọng tâm mà dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước (NN) giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là dự thảo đề án) đặt ra là cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của DNNN, để khối kinh tế này tiếp tục là “đầu tàu” trong nền kinh tế. Ông bình luận như thế nào về mục tiêu này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tôi đánh giá, mục tiêu trọng tâm trên là hết sức đúng đắn và cần thiết. Khác với DN tư nhân, DNNN phải thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau. Do đó, hiệu quả hoạt động của DNNN không phải chỉ nhìn nhận bó hẹp trong hiệu quả về mặt tài chính, mà còn phải xét đến hiệu quả về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.... Tuy nhiên, hiệu quả tài chính cần được xem là quan trọng nhất và là tiền đề để thực hiện các mục tiêu khác. Hơn nữa, chỉ khi hoạt động có hiệu quả về mặt tài chính thì DNNN mới có điều kiện để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, áp dụng các mô hình quả trị tiên tiến, để trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

TS. Nguyễn Văn Hiến

Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo tôi, cần chú trọng vào một số vấn đề sau. Trước hết, về cơ chế chính sách, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ DNNN phát triển; thực hiện đầy đủ và triệt để các nguyên tắc và cơ chế thị trường đối với DNNN; xóa bỏ toàn bộ đặc quyền, đặc lợi đối với DNNN, nhất là trong việc tiếp cận và phân bổ các nguồn lực như tài nguyên, đất đai, vốn… Đồng thời, cần tăng cường cơ chế giám sát, minh bạch hóa thông tin về hoạt động của DNNN, tăng cường trách nhiệm giải trình của DNNN theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Cùng với đó, cần đẩy mạnh CPH và thoái vốn NN tại các DNNN hoạt động không hiệu quả hoặc các DN mà NN không cần đầu tư hoặc không cần nắm giữ.

Về quản trị DN, cần đẩy mạnh tái cấu trúc nội bộ DNNN theo hướng phân định rõ chức năng chủ sở hữu và chức năng quản trị điều hành DN, cùng với thực hiện đổi mới mô hình quản trị DN một cách chuyên nghiệp, hiện đại…

Bên cạnh đó, cần cải cách chế độ tiền lương trong DNNN theo hướng gắn thu nhập của người lao động với hiệu quả hoạt động thực tế. Ngoài ra, trong các mục tiêu cụ thể hàng năm, ngoài mục tiêu tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, NN trong vai trò là chủ sở hữu nên xác định và giao cho các TĐ, TCT những mục tiêu cụ thể khác như hiện đại hóa công nghệ quản trị điều hành, mức độ nghiên cứu và phát triển công nghệ, mức độ nâng cao giá trị thương hiệu….

PV: Trong giai đoạn 2016 – 2020, tiến độ xử lý những dự án (DA), công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các TĐ, TCT, DNNN vẫn còn chậm và chưa xử lý được dứt điểm. Theo ông, trong giai đoạn 2021 – 2025 để xử lý dứt điểm tồn tại này, cần có những biện pháp “mạnh tay” như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo số liệu báo cáo, hiện nay còn khá nhiều DA, công trình của các TĐ, TCT, DNNN đầu tư triển khai chậm tiến độ, kém hiệu quả hoặc thua lỗ kéo dài. Tình trạng này kéo dài gây lãng phí, thất thoát lớn về vốn đầu tư của NN và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây thực sự là những “khối u” trong “cơ thể” DNNN, cần kiên quyết xử lý nhằm làm lành mạnh hóa của các DNNN.

Để xử lý dứt điểm các tồn tại này, tôi cho rằng, Chính phủ nên giao cho các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá cụ thể thực trạng từng công trình, từng DA. Đồng thời, giao cho chủ đầu tư DA đưa ra các kế hoạch, biện pháp và thời hạn giải quyết dứt điểm, nếu chủ đầu tư không tự tái cấu trúc được DA theo quy định của pháp luật, thì có thể phải chấp nhận thoái vốn NN tại DA thông qua các hình thức bán/chuyển nhượng hoặc thậm chí thực hiện phá sản, giải thể các DN, DA không có điều kiện phục hồi theo quy định của pháp luật. NN xử lý các DA thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường trên cơ sở tuân thủ pháp luật. NN không tiếp tục cấp thêm vốn vào các DA này, đồng thời xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan.

PV: Tại dự thảo đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là CPH, thoái vốn các DNNN. Theo ông, mục tiêu này liệu có khả thi?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Có thể nói, mục tiêu này là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành CPH 128 DNNN, tuy nhiên tính đến hết năm 2020 mới tiến hành CPH được 37 DNNN, bằng 28% kế hoạch. Trong 3 năm mà chỉ thực hiện CPH được 37 DN, nghĩa là bình quân mỗi năm chỉ CPH được 12 DN, trong khi mục tiêu đặt ra giai đoạn 2021 - 2025 phải hoàn thành CPH 91 DN còn lại (tức bình quân mỗi năm phải hoàn thành CPH khoảng 18 DNNN). Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận rằng, những DNNN còn lại chưa được CPH là những DN phức tạp, rất khó thực hiện CPH. Do đó, để hiện thực hóa được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn, rất quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và nội bộ các DN cần được CPH.

PV: Xin cảm ơn ông!

Diệu Thiện (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-03-29/can-kien-quyet-giai-the-cho-pha-san-doanh-nghiep-yeu-kem-101655.aspx