Cần kiểm tra, xử lý bảng hiệu quảng cáo gây nguy hiểm

Vụ việc bảng quảng cáo ở TP. Hồ Chí Minh gãy đổ gây chết người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng các bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Hiện nay, ra đường không khó để bắt gặp các bảng hiệu quảng cáo “khủng” chỉ còn trơ khung sắt hoặc rách nát không thể hiện rõ nội dung. Trong đó, có nhiều bảng quảng cáo đã bị chủ “bỏ rơi”, “hết giá trị sử dụng” nhưng vẫn không được tháo dỡ. Các bảng quảng cáo này đã trở thành mối đe dọa lớn, rất nguy hiểm cho người đi đường hoặc sinh sống xung quanh cũng như gây mất mỹ quan đô thị.

Theo nguyên tắc, các bảng quảng cáo bị hư hỏng, rách nát hoặc không còn sử dụng như hết hợp đồng, không còn nhu cầu quảng cáo thì đơn vị quản lý, sở hữu phải tháo dỡ, gỡ bỏ. Tuy nhiên, thực tế nhiều bảng quảng cáo đã hư hỏng, bỏ đi từ rất lâu nhưng không có đơn vị nào quản lý, tháo dỡ. Thậm chí theo phản ánh của người dân thì rất nhiều bảng quảng cáo “chui”, không được cấp phép vẫn tiến hành xây dựng nên chất lượng, độ an toàn của các bảng quảng cáo này là câu hỏi lớn.

Có thể khẳng định, các bảng quảng cáo bị “bỏ rơi”, “vô chủ” hoặc quảng cáo “chui”, không đảm bảo an toàn theo quy định đang trở thành mối nguy hiểm rất lớn treo lơ lửng trên đầu người dân. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, gió bão nếu không kịp thời cảnh báo, sửa chữa hoặc tháo dỡ kịp thời thì người dân phải gánh tai họa “từ trên trời rơi xuống” là rất có thể xảy ra!

Vì vậy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê và yêu cầu những đơn vị, tổ chức, cá nhân là chủ nhân, quản lý các biển hiệu quảng cáo không an toàn phải có trách nhiệm sửa chữa, đảm bảo an toàn và mỹ quan. Đối với các bảng quảng cáo không có giấy phép, không còn sử dụng phải tiến hành tháo dỡ ngay để trả lại không gian, đảm bảo an toàn cho người dân.

Trường hợp đã thông báo mà các đơn vị liên quan không tiến hành tháo dỡ thì cần có biện pháp cương quyết, cụ thể để xử lý. Theo đó, có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành, khi đó đơn vị quản lý phải chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ và các chi phí phát sinh. Cá nhân, tổ chức cố tình không tháo dỡ mà xảy ra tai nạn, sự cố gây chết người thì phải xem xét trách nhiệm hình sự, bồi thường dân sự theo quy định.

Điều này nhằm phòng tránh các tai nạn, sự cố đáng tiếc có thể xảy ra khi các bảng quảng cáo hư hỏng, không đảm bảo an toàn đổ gãy bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/van-hoa-thoi-luan/artmid/566/articleid/9836/can-kiem-tra-xu-ly-bang-hieu-quang-cao-gay-nguy-hiem