Cần kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm trong điều kiện vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2020, về cơ bản, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, đe dọa đến kết quả sản xuất của ngành chăn nuôi.

 Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: BT)

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: BT)

Một số dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát

Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên, một số dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Trong đó, về tình hình dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2020 đến ngày 9/12/2020, cả nước đã xảy ra 1.589 ổ dịch (bao gồm 603 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 959 ổ dịch tái phát) tại 307 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 85.525 con, tổng trọng lượng khoảng 4.276 tấn.

Hiện nay, cả nước có 310 xã thuộc 108 huyện của 29 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 31.203 con. Theo đánh giá chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát; thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện tại, cả nước có 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Về tình hình cúm gia cầm, từ đầu năm đến ngày 9/12/2020, cả nước đã xảy ra 84 ổ dịch cúm gia cầm A/H5 tại 28 tỉnh, thành phố; 63 ổ dịch do vi rút A/H5N6 tại 18 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 223.04 con. Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Nghệ An. Như vậy, đa số trong tổng đàn gia cầm 520 triệu con an toàn đối với bệnh cúm gia cầm.

Đối với dịch lở mồm long móng, từ đầu năm 2020 đến ngày 9/12/2020, cả nước xảy ra 194 ổ dịch tại 62 huyện 24 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 7.966 con gia súc (chiếm 0,02% tổng đàn gia súc khoảng 34 triệu con), gồm 6.808 con bò, 1.095 con trâu và 63 con lợn. Số gia súc bị chết và tiêu hủy là 279 con (202 con bò, 15 con trâu và 62 con lợn). So với cùng kỳ năm 2019, số ổ dịch đã giảm gấp 2,4 lần.

Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, mặc dù hiện nay, một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã cơ bản được kiểm soát và khống chế, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao bùng phát. Đặc biệt là đối với dịch tả lợn châu Phi do đặc điểm của vi rút này rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới. Đồng thời, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi chưa đảm bảo các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm và thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, cực đoan, mưa lớn, thời gian tới rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh có thể gây bùng phát dịch.

Đáng chú ý nhất là dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc. Tính từ đầu tháng 10 năm 2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đã xảy ra tại trên 83 xã, 33 huyện của 10 tỉnh, thành phố (bao gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Giang, Hà Nam và Hà Nội), làm tổng số 1.125 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 168 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Nhận định dịch bệnh nguy cơ tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng do bệnh lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh. Tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò cuối năm 2020 và đầu năm 2021 gia tăng mạnh. Đồng thời, điều kiện tại các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh,…

Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều bất cập khi sáp nhập hệ thống thú y địa phương dẫn đến công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ. Nhiều nơi không có lực lượng thú y cơ sở để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi. Người chăn nuôi không báo cáo dịch bệnh cho địa phương và cơ quan thú y các cấp để phối hợp chỉ đạo chống dịch, dẫn đến kéo dài thời gian xảy ra dịch.

Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, đồng thời, thiếu nhân lực thú y để tham mưu, tổ chức phòng chống dịch. Nhiều vấn đề khó khăn trong việc điều động nhân viên thú y giữa các huyện để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong địa bàn cấp tỉnh,…

Để khắc phục những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ hoàn thiện và phổ biến rộng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho các loại hình chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là công tác phòng chống bệnh viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi; chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt là việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, lựa chọn một số doanh nghiệp có tiềm năng để hỗ trợ xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh để góp phần vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa nâng cao năng suất và chất lượng cho sản phẩm của ngành chăn nuôi./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/can-kiem-soat-tot-dich-benh-gia-suc-gia-cam-trong-dieu-kien-van-tiem-an-nhieu-nguy-co-bung-phat-572044.html