Cần khảo sát mức độ lãng phí trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề cả nước

Hà Giang họ cần dạy nghề, nhưng Vĩnh Phúc lại cần giáo dục thường xuyên, vậy nên phải có đặc thù riêng. Đã làm Chính sách thì phải thật chuẩn, không thể ồ ạt.

Đến dự buổi Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 22/11, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, chia sẻ quan điểm:

"Tọa đàm của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm nay mang tính chất tham mưu, tất cả các ý kiến cũng là khá thực tế rồi, mục tiêu cuối cùng là có sát nhập hay không, sát nhập như thế nào?

Các đồng chí nói đều đúng cả, dạy nghề thế nào, giáo dục thường xuyên thế nào…tất cả tôi đã đều nghe và hôm nay thì được nghe kỹ hơn.

Tôi cũng rất mừng là hôm nay có cả các đồng chí đang làm quản lý nhà nước ở 2 bộ cũng đến tham dự Tọa đàm."

Video: Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, chia sẻ quan điểm.

"Thứ nhất: Tôi khẳng định là lãng phí vô cùng lớn nên chuyện sắp xếp lại là việc cần thiết, nhưng tôi đề nghị Quốc hội trước khi sắp xếp yêu cầu 2 bộ có khảo sát rất kỹ từ địa phương đến trung ương, có sự tham gia của chính quyền địa phương tất cả các mặt về hiệu quả, cơ sở vật chất.

Báo cáo thật rõ, minh bạch, xây bao nhiêu tiền, xây từ lúc nào, từng cơ sở có bao nhiêu học sinh? Trong này phải có cả đánh giá về trách nhiệm của giai đoạn vừa rồi và tôi cho đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước.

Tôi đề nghị phải đánh giá tổ chức này để ở đâu cho hợp lý, chuyện dạy nghề phải về bên Giáo dục và Đào tạo thì sẽ hiệu quả hơn, tại sao lại để dẫn đến tình trạng như vậy, lãng phí kinh khủng, thiếu nguồn lực và rõ ràng không đạt mục tiêu.

Tôi đi vùng sâu vùng xa vẫn có tình trạng tái mù, nghề nghiệp không có trong khi người dân rất cần.

Doanh nghiệp họ rất cần, thậm chí họ lấy sinh viên đại học ra đào tạo 3 tháng, đáng lẽ chuyện dạy nghề chúng ta phải làm và tôi đã nói Hà Nội nhưng không ai làm.

Nghe câu chuyện hôm nay thì tôi thấy các đồng chí lãnh đạo ở trên có độ nhạy, nhưng sao quân của các đồng chí ở dưới không nhạy? Trong trường hợp đó là phải triển khai ngay, nhưng có lẽ vì không đủ thầy.

Ta tham mưu để làm chính sách nên dứt khoát phải có đánh giá tổng thể về tất cả các mặt để xem giai đoạn vừa qua chủ trương của chúng ta đưa ra sai ở đâu, sai do ai? Nó phải có minh bạch như vậy chứ nếu không lại tiếp tục sai.

Tôi thấy việc giáo dục lúc nào cũng cần, nhưng ví dụ Hà Giang họ cần dạy nghề, Vĩnh Phúc lại cần giáo dục thường xuyên, vậy nên phải có đặc thù riêng. Đã làm chính sách thì phải thật chuẩn, không thể ồ ạt, nếu không sẽ lại sai tiếp."

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/can-khao-sat-muc-do-lang-phi-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-day-nghe-ca-nuoc-post204757.gd