Cần khắc phục tình trạng người bị kết án tử hình xin chết vẫn phải… chờ chết

ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh, cần quy định rõ thời gian xem xét đơn xin ân giảm của người bị kết án tử hình để vừa giảm áp lực, vừa khắc phục tình trạng 'chờ chết'…

ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An). Ảnh: Q.Khánh

Ngày 19/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Tại đây, tán thành việc sửa đổi dự án Luật này, nhưng nhiều đại biểu (ĐB) vẫn tỏ băn khoăn nhiều quy định.

Người chuyển đổi giới tính cần được giam giữ riêng

Theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về việc xin ân giảm khi thi hành án tử hình, tuy nhiên không quy định thời gian tối đa việc người có thẩm quyền bác hay không bác đơn.

Bà Trang cho hay, những năm qua có thực trạng nhiều người bị kết án tử hình làm đơn xin ân giảm nhưng chưa nhận được quyết định bác hay không bác của người có thẩm quyền. Vì vậy, cơ quan chức năng không dám thi hành, người bị kết án cũng có tình trạng chờ chết.

“Quá trình đó có nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra, ví dụ có người viết đơn xin chết, có người quậy phá, tìm cách này, cách khác gây áp lực rất lớn cho cán bộ trại giam và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”, bà Trang cho biết.

Từ thực tế trên, ĐB đoàn Nghệ An đề nghị, Ban soạn thảo nên có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc theo hướng quy định trong thời gian 3 - 5 tháng, nếu phạm nhân không nhận được quyết định ân giảm thì sẽ tổ chức thi hành án tử hình. Qua đó, giảm được áp lực cho người có thẩm quyền trong việc bác hay không bác đơn xin ân giảm, đồng thời khắc phục được tình trạng phạm nhân “chờ chết" như hiện nay.

Chung ý kiến, theo Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức, có bị án đã viết đơn xin tha tội chết gửi cấp có thẩm quyền, tuy nhiên thời gian kéo dài từ một đến vài năm nhưng không được trả lời; có bị án xin thi hành án ngay để được chết nhưng không được xem xét, giải quyết, gây tư tưởng bi quan, chán nản, chống phá.

"Dự thảo Luật cần quy định cụ thể thời gian từ khi nhận đơn và trả lời đơn của người bị kết án tử hình gửi lên Chủ tịch nước xin tha tội chết là bao nhiêu ngày, có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian giam người bị kết án tử hình đã được tòa các cấp xét xử", ông Đức nhấn mạnh.

Đồng ý quy định "phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định được giới tính được bố trí giam giữ riêng", bà Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nói, "anh A đã phẫu thuật để chuyển đổi giới tính nam thành nữ. Nhưng giấy tờ vẫn là giới tính nam, về nguyên tắc phải giam chung với phạm nhân nam. Như vậy sẽ phát sinh phức tạp tại buồng giam".

Tuy nhiên, nữ ĐB đoàn Long An băn khoăn hiện chưa có quy định pháp luật cụ thể về người đồng tính, người chuyển đổi giới tính.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung. Ảnh: Q.Khánh

“Việc định danh hai đối tượng này vào dự luật, trên cơ sở pháp lý nào, cơ quan nào, cá nhân nào có thẩm quyền xác định cũng như xác định bằng văn bản pháp lý nào để xác định một người A, người B là đồng tính hay là người chuyển đổi giới tính để cơ quan tư pháp căn cứ vào đó mà tổ chức thực hiện thi hành một bản án hình sự”, bà Dung nói.

Pháp luật hiện hành cũng chưa quy định bố trí nơi giam giữ riêng đối với người chưa xác định giới tính; mới chỉ có Luật Hộ tịch quy định việc “xác định lại giới tính là một trong những thủ tục đăng ký hộ tịch”. Vì vậy, bà Dung đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định hiện hành để phân loại việc giam giữ riêng, đáp ứng thực tiễn và đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Băn khoăn trẻ dưới 36 tháng tuổi theo bố vào trại giam

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH đoàn Quảng Bình), dự thảo luật bổ sung quy định, con dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ cần hết sức cân nhắc.

Ông phân tích, Luật hiện hành cho phép con dưới 36 tháng tuổi được theo mẹ vào trại giam là quy định nhân đạo vì lợi ích tâm sinh lý tốt nhất cho trẻ, do trẻ dưới 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc của người mẹ… Đây cũng là trường hợp rất hạn chế và hãn hữu.

Vì vậy, Bộ luật Hình sự chỉ quy định cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án và Luật Hôn nhân và Gia đình quy định khi ly hôn về nguyên tắc, người mẹ được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

“Tôi không tán thành việc bổ sung quy định trẻ em dưới 36 tháng tuổi được theo bố vì quy định này không phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc giải quyết vấn đề này theo nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng giới giữa nam phạm nhân và nữ phạm nhân là không thỏa đáng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm.

Theo ông Cường, “ở đây cần phải lấy lợi ích của trẻ em, quyền của trẻ em để giải quyết vấn đề, môi trường giam giữ chưa bao giờ là môi trường thân thiện đối với trẻ em trong mọi phương diện”.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh Q. Khánh

Cũng vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) nhận định, cách tiếp cận của dự thảo chưa phù hợp với nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, chưa bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em.

“Trẻ em không phải là người phải chấp hành án. Mặt khác, đây là những trẻ em nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương và đặc biệt”, ông Hiến nhấn mạnh và cho rằng, cần có sự quan tâm đặc biệt, ít nhất là bảo đảm theo đúng quy định của Luật Trẻ em.

Theo ĐB đoàn Lâm Đồng, “chế độ ăn đối với nhóm trẻ em này không thể như người lớn cả về định lượng, thành phần dinh dưỡng và loại thực phẩm cụ thể. Tương tự như vậy, các quy định cụ thể về chế độ mặc và nhu yếu phẩm thiết yếu cũng phải quy định phù hợp với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, không thể là hai bộ quần áo, hai khăn mặt một năm”.

“Việc khám chữa bệnh cũng phải theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế là trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, chuyển tuyến và khám chữa bệnh cấp cứu”, ông Hiến nói thêm.

Đây là lần đầu tiên dự thảo được thảo luận tại nghị trường QH. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, do còn ý kiến khác nhau là thông qua dự Luật này tại 2 hay 3 kỳ họp nên đoàn Chủ tọa sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến ĐB để báo cáo QH.

Quốc hội “chốt” giữ nguyên quy định thời điểm đặc xá

Với 92,99% ĐB biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi) chiều ngày 19/11. Cùng ngày, QH đã biểu quyết thông qua 4 luật khác gồm: Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 39 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Luật này quy định, Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Chủ tịch nước cũng sẽ xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trước khi QH biểu quyết thông qua, thời điểm đặc xá là kế thừa Luật hiện hành, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật nước ta và thực tiễn thực hiện không phát sinh vướng mắc.

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua luật

“Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật và giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Trong thực hiện đặc xá, Luật nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện được đặc xá; không đề nghị đặc xá cho người đủ điều kiện được đặc xá; cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá; đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá.

Các hành vi cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá trái quy định của pháp luật; từ chối cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu mà theo quy định của pháp luật người được đề nghị đặc xá phải được cấp, xác nhận; giả mạo giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá cũng bị nghiêm cấm.

Luật cũng quy định rõ, những trường hợp không được đề nghị đặc xá gồm: người bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Những người bị kết án phạt tù tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố và một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự cũng không được đề nghị đặc xá…

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/can-khac-phuc-tinh-trang-nguoi-bi-ket-an-tu-hinh-xin-chet-van-phai-cho-chet_t114c67n141378