Cần khả thi hơn

Mới đây, cơ quan CSGT TP.HCM đã yêu cầu các chủ quán ăn, nhà hàng ký cam kết thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở khách đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; không tự lái xe sau khi đã sử dụng thức uống có cồn. Theo đó, tại các quán nhậu sẽ phải treo băng rôn có nội dung Không lái xe sau khi đã uống rượu bia, và chủ quán cũng phải cam kết sẽ báo tin cho cơ quan chức năng nếu thực khách cố tình lái xe về khi có cồn trong người.

Trên thực tế, việc ký cam kết là hết sức cần thiết và đúng luật, vì việc xử lý các hành vi vi phạm rất cần thông tin do người dân cung cấp. Hơn nữa, ngăn ngừa các vụ việc tai nạn giao thông do tài xế say xỉn gây ra không chỉ là trách nhiệm của CSGT mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mọi người dân, trong đó vai trò của các chủ quán ăn là không thể thiếu. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đã ủng hộ chủ trương này bởi quán nhậu là nơi khởi nguồn của nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây thương vong cho rất nhiều người cũng như tổn thất lớn về tài sản. “Riêng tôi, bữa nào uống bia là đi taxi về hoặc đặt xe công nghệ. Đó là cách để đảm bảo an toàn cho mình cũng như mọi người. Nếu không may gây ra tai nạn hay bị phạt nồng độ cồn, thì người thiệt nhất vẫn là mình”, một cư dân mạng quả quyết.

Tuy nhiên, chủ trương thì rất đúng, nhưng phân tích kỹ lại thấy thiếu tính khả thi. Bởi trên thực tế, rất ít chủ quán báo cho CSGT để xử lý khách bởi nó mâu thuẫn với lợi ích kinh doanh của họ. Để chủ trương có thể đi vào thực tế, việc các chủ quán cần làm trước hết là liên kết với đội ngũ xe ôm, xe taxi, xe công nghệ phục vụ chuyên nghiệp để đưa, đón khách hàng tận nhà với giá cả hợp lý. Thực hiện được điều này thì chắc chắn sẽ thu hút khách hàng đến với quán nhậu thường xuyên hơn.

Trong trường hợp khách đi xe đến thì cần bố trí người lái xe đưa khách về tận nhà, hoặc thuyết phục khách gửi xe tại quán, sau đó gọi phương tiện di chuyển cho khách. Nếu xảy ra trường hợp khách say xỉn quá mức, không làm chủ được hành vi và từ chối các dịch vụ đưa đón, khăng khăng muốn tự mình lái xe thì chủ quán cần mềm dẻo nhưng thật cương quyết tuyên truyền về những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra như gây tai nạn giao thông hoặc bị CSGT xử phạt; đồng thời, điện thoại cho người thân của khách hàng đến đón. Nếu tất cả các trường hợp trên đều không được thì lúc này mới buộc phải nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

Nội dung quy định này hiện đang tạo dư luận trái chiều, tuy nhiên, khi các vụ tai nạn giao thông liên quan nồng độ cồn gần đây để lại hậu quả nghiêm trọng, thì ai cũng mong tất cả người tham gia giao thông đã uống rượu bia thì không lái xe. Và thực tế, nếu các chủ quán đều vừa mềm dẻo, khéo léo, vừa cương quyết thì không chỉ thu hút thêm khách mà còn góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các vụ tai nạn mà không nhất thiết phải để công an vào cuộc.

ĐỖ VĂN NHÂN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/54392/can-kha-thi-hon