Cận kề ngày Rằm tháng 7, 'thủ phủ' vàng mã khu phố cổ Hà Nội vẫn ảm đạm

Sát ngày Rằm tháng 7 nhưng tại những tuyến phố cổ nơi được coi là 'thủ phủ' đồ âm phủ, đồ thờ cúng như phố Hàng Mã, Hàng Lược vẫn vắng vẻ, thưa thớt người mua.

Đa dạng sản phẩm từ bình dân tới cao cấp

Rằm tháng 7 Âm lịch, theo quan niệm dân gian là ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu, để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, nguồn cội.

Hoạt động đốt vàng mã tại Việt Nam, được coi là hình thức tâm linh của người Việt, với quan điểm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình thực hiện hình thức này để tưởng nhớ, tri ân các đấng sinh thành. Do đó, trong nhiều năm trước đây, Rằm tháng 7 là thời gian các khu phố chuyên bán đồ vàng mã rất sôi động.

Chủ cửa hàng đã trưng bày rất nhiều sản phẩm phục vụ mùa Vu lan 2022

Chủ cửa hàng đã trưng bày rất nhiều sản phẩm phục vụ mùa Vu lan 2022

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại các cửa hàng thuộc tuyến phố trung tâm chuyên bán đồ vàng mã, thờ cúng như Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)… trưng bày đa dạng chủng loại mẫu mã, sản phẩm phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong dịp lễ năm nay.

Khách hàng thưa thớt

“Sản phẩm thường được khách lựa chọn mua trong dịp Lễ Vu Lan là bộ ông bà tiền chủ, bà chúa đất, quan thần linh và quần áo cho gia tiên của từng khách. Giá những mặt hàng này thường chia thành hai loại, hàng trung bình khoảng 30.000 đồng/bộ, hàng cao cấp khoảng 80.000 đồng/bộ”, chị Nguyễn Thu Lâm – chủ đại lý bán đồ vàng mã, thờ cúng cho biết.

Thời gian gần đây, hàng hóa liên tục tăng giá ảnh hưởng đến giá thành nhiều sản phẩm đồ âm phủ với mẫu mã mới như điện thoại thông minh, ô tô, đồng hồ, các kiểu dáng quần áo, giày dép hiện đại… Hiện các mặt hàng này có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Song vì để thu hút khách, đa dạng mặt hàng, nhiều tiểu thương vẫn lựa chọn nhập về bán.

Giá một bộ quần áo kiểu dáng mới, cao cấp khoảng 200.000 – 250.000 đồng/bộ với đồ người lớn

Theo đó, năm nay giá một bộ quần áo kiểu dáng mới, cao cấp khoảng 200.000 – 250.000 đồng/bộ với đồ người lớn, 100.000 – 120.000 đồng/bộ với đồ trẻ em, các mặt hàng đồ gia dụng như: ấm chén, bát đũa có giá 150.000 đồng/bộ, 80.000 đồng/phích nước, túi xách hãng hiệu nổi tiếng dao động từ 70.000 đồng đến 90.000 đồng/túi, giày dép từ 40.000 – 50.000 đồng/đôi. Tiền vàng mã có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/10 đinh.

“Năm nay có nhiều mẫu thiết kế mới, hình thức rất đẹp, màu sắc bắt mắt, điển hình là quần áo, váy vóc, giày dép xuất xứ hàng Tàu, tuy nhiên giá thành các mặt hàng đồ giấy năm nay lại tăng lên, nhìn chung đều nhỉnh hơn so với năm ngoái khoảng 10%”, chị Lâm nói thêm.

Khách thưa thớt

Khác hẳn mọi năm, dù bày biện phong phú các chủng loại hàng song hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố trung tâm chuyên bán đồ âm phủ năm nay lại khá đìu hiu dù đã cận kề ngày Rằm.

Chị Khánh Linh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chủ cửa hàng bán đồ vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết năm nay các mẫu mã đa dạng, phong phú, nhiều mẫu mới bắt kịp xu hướng hiện đại song việc buôn bán lại thất thu.

“Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm, và trong thời gian vừa qua, giá hàng hóa các loại liên tục tăng khiến người dân buộc phải chi tiêu tiết kiệm hơn. Có lẽ vì vậy mà sức mua năm nay tương đối ít. Tôi chỉ hi vọng trong 1-2 ngày tới, khách đến mua nhiều hơn, để hòa vốn nhập hàng năm nay”, chị Linh chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Linh, ông Nguyễn Văn Đức – tiểu thương tại Hàng Mã - cho biết: “Để phục vụ nhu cầu của người dân vào lễ Vu lan báo hiếu,chúng tôi đã phải lên kế hoạch nhập hàng trước đó vài tháng. Tuy nhiên, giá hàng hóa leo thang là lí do khiến sức mua ít hẳn. Một phần lí do khác là từ sau khi dịch bệnh xuất hiện, đồ vàng mã đã được bán rộng rãi trên cả các trang thương mại điện tử nên khách mua dàn trải hơn”.

Đa số khách hàng thường lựa chọn mua những sản phẩm vàng mã là quần áo, giày dép, mũ nón có giá dao động từ 50.000 đồng – 80.000 đồng/bộ đã đi kèm phụ kiện, tiền vàng 100.000 đồng/10 đinh

Cô Thu Hương - tiểu thương tại Hàng Mã, Hà Nội cũng - cho hay: “Tình hình buôn bán so với những năm trước sụt giảm nhiều nhưng người bán hàng như chúng tôi có mẫu mới vẫn phải nhập về để bày biện, buôn bán. Đa số khách hàng thường lựa chọn mua những sản phẩm vàng mã là quần áo, giày dép, mũ nón có giá dao động từ 50.000 đồng – 80.000 đồng/bộ đã đi kèm phụ kiện, tiền vàng 100.000 đồng/10 đinh, đây cũng là dòng sản phẩm có chất lượng khá tốt, giá cả hợp lí, kiểu dáng đẹp”.

Lý giải nguyên nhân lượng khách giảm sút, nhiều tiểu thương cho hay, ngoài những ảnh hưởng như dịch bệnh kéo dài, giá hàng hóa tăng cao thì còn bởi việc đốt vàng mã đã được các cơ quan chức năng vào cuộc, tuyên truyền, kêu gọi cần phải hạn chế nên thị trường hàng mã giảm nhiệt. Hiện nay, xu hướng người tiêu dùng đã thay đổi, nhiều người hạn chế mua vàng mã hơn, ngoài việc để tiết kiệm chi tiêu, còn để giúp bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Thu Loan (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - chia sẻ, tấm lòng thành mới là yếu tố quan trọng trong việc hương khói. “Vài năm nay, trong các ngày lễ, tuần rằm mùng 1 hay kể cả lễ Vu lan, gia đình tôi chỉ làm mâm cơm cúng hoặc mua hoa quả, bánh kẹo thắp hương, hạn chế việc mua sắm đốt vàng mã, việc này vừa tốn kém, vừa độc hại, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của bản thân, cũng như những người xung quanh”, chị Loan nói.

Sức mua “đồ giấy” giảm, thị trường vàng mã năm nay kém sôi động so với mọi năm. Người Việt vẫn gìn giữ được nét đẹp trong phong tục tập quán, song đã tránh mê tín dị đoan, mua nhiều lễ mã, đốt vàng hương dẫn đến tình trạng “bội thực vàng mã” một cách lãng phí.

Trà My

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-ke-ngay-ram-thang-7-thu-phu-vang-ma-khu-pho-co-ha-noi-van-am-dam-216749.html