Cần kê khai trung thực, đọc kỹ hợp đồng

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hiện ngày càng có nhiều người quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ (BHNT) như một cách để dự phòng rủi ro cho tương lai. Thế nhưng, nếu không tìm hiểu kỹ, người mua bảo hiểm rất dễ rơi vào tình cảnh 'tiền mất tật mang'.

Ngày 19-12-2014, bà N ký hợp đồng BHNT với Công ty TNHH M. Theo hợp đồng, thời gian đóng phí bảo hiểm của bà N là 12 năm, tổng số tiền bảo hiểm là 150.000.000 đồng, phí bảo hiểm là 9.207.000 đồng/năm. Người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm (100%) là ông Trần Ngọc M, sinh năm 1968 ở Bình Dương. Bà N đã đóng phí được một kỳ thì ngày 19-12-2015 bà N đột ngột qua đời. Ông M yêu cầu Công ty TNHH M thanh toán tiền bảo hiểm cho ông. Tuy nhiên, Công ty TNHH M không thanh toán với lý do: Bà N mất vì bị bệnh suy thận nặng nhưng khi được hỏi tình trạng bệnh lý trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm thì bà N đã giấu tình trạng bệnh lý của mình.

Ông M khởi kiện Công ty TNHH M và vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 232/2018/DS-ST ngày 24-4-2018, Tòa án Nhân dân quận 7, TP Hồ Chí Minh quyết định: “Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Trần Ngọc M đối với bị đơn Công ty TNHH M phải trả số tiền bảo hiểm 150.000.000 đồng bởi bà N đã vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng bảo hiểm số 2930144802 ngày 19-12-2014. Với căn cứ: Tại Điều 7 hợp đồng bảo hiểm ký giữa bà N và Công ty TNHH M có quy định: “Người mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ và trung thực các thông tin theo yêu cầu của công ty để công ty đánh giá khả năng chấp nhận bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Mặt khác, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm là: “Phải kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm...".

Qua vụ án trên và một số vụ án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, có thể thấy người mua bảo hiểm đã không đọc kỹ hồ sơ hợp đồng dẫn đến rơi vào các điều khoản loại trừ, không được thanh toán khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Điều khoản loại trừ (trách nhiệm bảo hiểm) là điều khoản đặc biệt của hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, một số trường hợp rủi ro chắc chắn sẽ xảy ra, có thể do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm, hoặc sự kiện bảo hiểm xảy ra mang tính hàng loạt (chiến tranh, bạo loạn)… thì sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hiểm. Khi xảy ra các sự kiện bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ tiến hành thẩm định trước khi quyết định chi trả. Vì vậy, nếu phía công ty bảo hiểm phát hiện ra những sai sót trong thông tin mà bên mua bảo hiểm cung cấp, họ có quyền từ chối chi trả.

Vậy, để bảo đảm quyền lợi cho mình, người mua bảo hiểm phải thật sự trung thực khi kê khai vào các mục trong hợp đồng, nếu khai không trung thực sẽ không nhận được tiền bảo hiểm khi sự cố xảy ra. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành thì một hợp đồng BHNT sẽ bao gồm các hồ sơ sau: Hợp đồng BHNT phải được đăng ký hợp đồng mẫu theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; chứng nhận bảo hiểm; quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm chính và (các) sản phẩm bảo hiểm bổ trợ đi kèm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn; các thỏa thuận khác (nếu có) được giao kết hợp lệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Do đó, người mua bảo hiểm trước khi ký hợp đồng cần đọc kỹ các điều khoản để biết mình sẽ nhận được gì và trường hợp nào thì sẽ không được thanh toán tiền bảo hiểm. Đặc biệt, trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, người mua bảo hiểm cần kê khai trung thực để công ty bảo hiểm xem xét tư vấn sản phẩm bảo hiểm phù hợp tình trạng sức khỏe, điều kiện, hoàn cảnh bản thân. Phải tự mình ký tên, kê khai đúng, đầy đủ, chính xác và trung thực các thông tin về nhân nhân, về tình trạng sức khỏe hiện nay, tiền sử bệnh… Khi mua bảo hiểm khách hàng cũng phải cân nhắc sắp xếp tài chính của cá nhân sao cho bảo đảm việc đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo quy định của hợp đồng và dự liệu trong trường hợp xấu nhất nếu không có khả năng thanh toán phí bảo hiểm thì sẽ xử lý hợp đồng như thế nào. Nếu không có khả năng đóng phí bảo hiểm thì toàn bộ những chi phí khách hàng đóng trước đó, bảo hiểm sẽ trả lại cho khách hàng rất ít hoặc thậm chí sẽ không được trả lại tùy theo các điều khoản trong hợp đồng.

Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp những người làm nghề tư vấn bảo hiểm, vì thiếu kiến thức hoặc vì khoản "hoa hồng" khi bán được hàng mà đẩy khách hàng rơi vào cảnh thiệt thòi. Lợi dụng sự kém hiểu biết của khách hàng, họ đưa ra những lời hứa hẹn viển vông, tư vấn không kỹ miễn sao lôi kéo được khách hàng tham gia mua BHNT. Khi khách hàng gặp sự cố thì những nhân viên này phủi tay coi như không có trách nhiệm liên quan. Để hạn chế tình trạng này, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có những quy định cụ thể đối với người hành nghề tư vấn bảo hiểm cả về chuyên môn và đạo đức. Các công ty kinh doanh BHNT cũng cần loại bỏ những nhân viên đó để bảo vệ uy tín cho chính công ty mình.

Hiện này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính là đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước. Đơn vị này cần tiếp tục tăng cường giám sát và xử lý nghiêm những công ty bảo hiểm, nhân viên tư vấn bảo hiểm có dấu hiệu vi phạm, hành vi lừa dối khách hàng. Đồng thời thường xuyên đưa ra những khuyến cáo cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia BHNT.

Nếu muốn an tâm hơn thì lời khuyên cho những người chuẩn bị tham gia BHNT là hãy tham khảo ý kiến của những chuyên gia, luật sư… những người có am hiểu nhất định về pháp luật để được họ tư vấn, giúp bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.

Luật sư LÊ VĂN LÊN (Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-ke-khai-trung-thuc-doc-ky-hop-dong-591898