Cần hơn 2.200 tỷ đồng để giải tỏa dân khu vực 1 di tích Kinh thành Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa lập đoàn đi khảo sát thực tế các khu dân cư thuộc khu vực di tích Kinh thành Huế để có phương án di dời, giải tỏa.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa lập đoàn đi khảo sát thực tế các khu dân cư tại khu vực eo bầu, thượng thành và hộ thành hào, thuộc khu vực di tích Kinh thành Huế để có phương án di dời, giải tỏa trong thời gian tới.

Theo đó, đoàn đã tiến hành khảo sát các điểm hộ thành hào đường Trần Huy Liệu, khu vực thượng thành, eo bầu thuộc địa bàn các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc, Thuận Lộc, Phú Bình, Phú Thuận... Hầu hết hộ dân sống trong khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế hàng chục năm qua phải chịu đựng cảnh chật chội, ô nhiễm môi trường, mất an toàn trong mùa mưa bão.

Nhiều khu dân cư nhếch nhác, tạm bợ tồn tại trên Kinh thành Huế hàng chục năm nay.

Nhiều khu dân cư nhếch nhác, tạm bợ tồn tại trên Kinh thành Huế hàng chục năm nay.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ khẳng định tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để di dời người dân đến nơi ở mới và nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.

Theo thống kê, hiện nay còn 3.800 hộ dân sinh sống trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Thực tế này gây nhiều hệ lụy đối với mỹ quan, trật tự đô thị, kiến trúc, cảnh quan di sản; ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Ước tính, tổng kinh phí để thực hiện đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.

Sống tạm bợ trên Kinh Thành Huế.

Vẫn còn còn 3.800 hộ dân sinh sống trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung Tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: Sau đợt khảo sát này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ làm việc với các ban ngành, địa phương thống nhất các nội dung và lộ trình thực hiện, đồng thời sẽ kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương để có sự hỗ trợ, sớm di dời dân ra khỏi khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế.

"Dân cư sống trên thượng thành khá lớn, cuộc sống hàng ngày của họ đã ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, đến sự bền vững của di tích. Rất nhiều đoạn kinh thành đã bị vỡ, bị hỏng, nứt nẻ, sụt lún khá nặng nề do tình trạng người dân sống ở trên đó. Nước thải sinh hoạt rồi rất nhiều vấn đề khác liên quan về mặt môi trường. Riêng trong khu vực kinh thành có 10 điểm nóng của di tích có hơn 1.000 hộ dân, đó là những điểm cần giải tỏa đầu tiên", ông Phan Thanh Hải chia sẻ./.

Lê Hiếu/VOV Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/media/anh/can-hon-2200-ty-dong-de-giai-toa-dan-khu-vuc-1-di-tich-kinh-thanh-hue-810499.vov