Cần hoàn thiện quy định về 'bổ trợ tư pháp'

Thuật ngữ 'hỗ trợ tư pháp' lần đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính: Quy định rõ nguyên tắc, nội dung hoạt động của các tổ chức hỗ trợ tư pháp để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử của tòa án một cách khách quan, chính xác và đúng luật.

Cùng với sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn, thuật ngữ “hỗ trợ tư pháp” nay được gọi là “bổ trợ tư pháp” có phạm vi sử dụng được mở rộng hơn. Nó không chỉ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử của tòa án mà ngày nay, hoạt động này được xuất hiện ngay từ khi có sự kiện pháp lý xảy ra nếu có dấu hiệu tội phạm. Việc đó giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhanh chóng, kịp thời, chính xác, bảo đảm quyền lợi cho những người liên quan.

Thể chế đường lối của Đảng, thuật ngữ này được ghi nhận tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24-9-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Về phạm vi điều chỉnh, Điểm a, Điều 1 của nghị định này quy định: “Bổ trợ tư pháp bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại”.

 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Ảnh: luatcongchinh.vn.

Bộ luật Tố tụng Hình sự. Ảnh: luatcongchinh.vn.

Đối chiếu thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật khác, chúng tôi cho rằng, lĩnh vực “bổ trợ tư pháp” quy định như trên chưa đầy đủ vì những lẽ sau:

Bổ trợ tư pháp không chỉ bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng giám định tư pháp, bán đấu gia tài sản, trọng tài thương mại mà theo Điều 22 Luật Luật sư năm 2012 quy định phạm vi hành nghề luật sư gồm có: 1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; 2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật; 3. Thực hiện tư vấn pháp luật; 4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; 5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của luật này.

Hiện nay, do điều kiện kinh tế, các dịch vụ mà luật sư thực hiện chủ yếu ở các điểm: 1, 2, 3 Điều 22 Luật Luật sư, bởi nhận thức chung trong xã hội khi nói đến luật sư là người ta liên tưởng ngay đến hoạt động bào chữa và tư vấn pháp luật. Trong khi đó, do sự phát triển của xã hội, đội ngũ bào chữa theo Điểm 2, Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 gồm có: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Ngoài người bào chữa, để giải quyết vụ án hình sự khách quan, đúng pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng đến ý kiến của những người được quy định tại các điều: 68, 69, 70; Điểm 2, Điều 72 và đoạn 2, Điểm 2, Điều 201 BLTTHS.

Về tư vấn pháp luật, lĩnh vực này không chỉ luật sư thực hiện mà theo Điều 2 Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam quy định: “Thành lập các tổ chức tư vấn và dịch vụ pháp lý do Hội bảo trợ theo quy chế của Nhà nước và tham gia ý kiến với cơ quan Nhà nước trong việc giám sát hoạt động tổ chức luật sư; tư vấn và dịch vụ pháp lý”. Ở hội luật gia các tỉnh đều có trung tâm tư vấn pháp luật.

Như vậy, với những quy định trên thì lĩnh vực “bổ trợ tư pháp” không chỉ giới hạn trong phạm vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ mà cần bổ sung các đối tượng được quy định tại các điều: 68, 69, 70; Điểm 2 Điều 72 và đoạn 2 Điểm 2 Điều 201 BLTTHS.

Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22-12-2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ "Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phòng tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh" thì các sở tư pháp đã thành lập phòng bổ trợ tư pháp (bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại (nếu có), trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự, thừa phát lại (nếu có) và các lĩnh vực tư pháp khác). Vậy hoạt động của những người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và “người có chuyên môn” tham dự việc khám nghiệm hiện trường quy định tại các điều: 69, 70, 201 BLTTHS không được coi là bổ trợ tư pháp?

Hoạt động “bổ trợ tư pháp” chủ yếu liên quan đến phạm vi điều chỉnh của BLTTHS, vì vậy chúng tôi đề nghị nên giải thích thuật ngữ này theo hướng: "Bổ trợ tư pháp là những hành vi của những người tham gia tố tụng thực hiện những công việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giúp cho trình tự khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự đúng pháp luật" và để luật hóa nên bổ sung vào Chương III của BLTTHS mục “Cơ quan bổ trợ tư pháp, người thực hiện nhiệm vụ bổ trợ tư pháp”.

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH (Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-hoan-thien-quy-dinh-ve-bo-tro-tu-phap-576377