Cần hoàn thiện ngân hàng gen để dễ dàng xác định danh tính liệt sĩ

Với mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN tại Việt Nam, mới đây, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chính thức đưa Trung tâm Giám định ADN vào vận hành. Để hiểu rõ hơn vai trò và năng lực của trung tâm này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (CNSH).

 PGS, TS Chu Hoàng Hà.

PGS, TS Chu Hoàng Hà.

Phóng viên (PV): Nhiệm vụ và mục tiêu khi thành lập Trung tâm Giám định ADN là gì, thưa ông?

PGS, TS Chu Hoàng Hà: Tháng 7-2019, Viện CNSH đã hoàn thành dự án “Đầu tư nâng cấp Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ (HCLS) còn thiếu thông tin tại Viện CNSH” nhằm bảo đảm năng lực phân tích 4.000 mẫu HCLS mỗi năm. Khi đi vào hoạt động, trung tâm đặt mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN, di truyền từ các mẫu xương lâu năm, các mẫu xương cổ và hướng tới trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự và di truyền cá thể. Đặc biệt, Viện CNSH là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công quy trình công nghệ phân tích ADN HCLS và đã chuyển giao công nghệ cho các đơn vị giám định khác.

PV: Để có thể hoàn thành được mục tiêu trên, Trung tâm Giám định ADN đã chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng và nhân lực như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Chu Hoàng Hà: Để có thể hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, trung tâm đã đầu tư các hạng mục, gồm: Tổ hợp 10 phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm của thân nhân, các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu vực lưu trữ mẫu, khu vực kiểm định, kiểm chuẩn, hệ thống server và hệ thống văn phòng trên diện tích 750m2 tại Khu Nghiên cứu và Triển khai công nghệ Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Bên cạnh đó, trung tâm còn trang bị các thiết bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, hệ thống server lưu trữ và phân tích dữ liệu…

Từ năm 2016, để chuẩn bị đưa trung tâm đi vào vận hành, Viện CNSH đã cử 6 cán bộ giám định đi đào tạo tại Tổ chức Quốc tế Tìm kiếm người mất tích (ICMP) tại Liên bang Bosnia và Herzegovina, các phòng thí nghiệm tại Hamburg (Đức). Tất cả cán bộ tham gia công tác giám định cũng được tham gia một loạt chương trình đào tạo kéo dài hai năm do các chuyên gia đầu ngành về di truyền hình sự của Hoa Kỳ tới Việt Nam giảng dạy. Tới nay, cấu trúc nhân sự hoạt động của trung tâm cơ bản được hình thành và phân tách chức năng nhằm bảo đảm tính chuyên sâu trong phân tích các mẫu xương khó với số lượng và chất lượng vật liệu di truyền kém; phân tích các mẫu tham chiếu và xây dựng số liệu dân số; nghiên cứu và phát triển công nghệ mới ứng dụng trong phân tích HCLS. Năm 2020, quy mô nhân sự và số lượng mẫu phân tích sẽ được nâng lên.

Nhân viên Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học tiến hành giám định ADN từ mẫu hài cốt liệt sĩ.

PV: Quá trình giám định ADN HCLS gặp những khó khăn gì, thưa ông?

PGS, TS Chu Hoàng Hà: Hiện nay, các đơn vị giám định đang gặp phải một thách thức lớn từ việc thu nhận ADN đạt yêu cầu cho các công nghệ phân tích hiện có. Bởi vì, phần lớn các mẫu hài cốt tính tới thời điểm hiện tại đều có độ tuổi từ 40 đến 100 năm nên chất lượng không bảo đảm, thậm chí có những mẫu hài cốt phân hủy mạnh kèm theo việc nhiễm vi sinh vật và các chất ức chế. Ngoài ra, đối tượng lấy mẫu sinh phẩm (da, tóc, móng tay, móng chân…) của thân nhân liệt sĩ để đối chứng tuổi cao, sức yếu, không ít trường hợp đã mất. Mặt khác, quy định của Nhà nước hiện nay là giám định mẫu hài cốt phải có kết quả thì mới trả kinh phí, trong khi không ít mẫu đã bị phân hủy nặng, phải thử nhiều phương pháp khác nhau, sử dụng nhiều hóa chất, nhiều nhân lực nhưng không cho ra kết quả thì cũng không nhận được kinh phí. Bên cạnh đó, số lượng mẫu cần giám định lớn, song nguồn nhân lực của các đơn vị trực tiếp làm công tác này còn hạn chế.

PV: Theo ông, để nâng cao hiệu quả công tác giám định ADN HCLS cần những biện pháp gì?

PGS, TS Chu Hoàng Hà: Để nâng cao hiệu quả công tác giám định ADN HCLS, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hoàn thiện ngân hàng gen để tạo ra cơ sở dữ liệu đầy đủ về ADN của liệt sĩ và cả người thân giúp việc đối chiếu, xác định danh tính liệt sĩ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét việc cấp kinh phí phù hợp đối với những trường hợp giám định HCLS nhiều lần nhưng không cho kết quả. Cùng với đó, cần đào tạo nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao để thực hiện tốt quy trình giám định và sử dụng trang thiết bị hiện đại cũng như có những cơ chế thu hút nhân lực trong, ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-hoan-thien-ngan-hang-gen-de-de-dang-xac-dinh-danh-tinh-liet-si-583486