Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý

Do khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn lỏng lẻo nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động tại Việt Nam thực hiện hành vi chuyển giá để trốn thuế vẫn còn tồn tại.

Nhiều DN FDI "dính" nghi án chuyển giá

Thiếu cơ sở pháp lý

Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, trong 3 loại hình DN, khối FDI có tỷ lệ DN thua lỗ cao nhất, xấp xỉ 48%. Điều bất hợp lý là dù thua lỗ liên tục nhưng DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Dẫn chứng cụ thể, Ths. Tạ Chu Uyên Nguyên - Phó Trưởng phòng Quản lý DN (Ban quản lý Khu chế xuất – khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) - thông tin, từ năm 2013 – 2015, tình trạng khai lỗ kinh doanh của DN FDI tại khu công nghiệp – khu chế xuất TP. Hồ Chí Minh tương đối lớn, bình quân khoảng 31,4%. Tỷ lệ DN FDI kê khai lỗ và có số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ chiếm khoảng 15% trong tổng số các DN đang hoạt động. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan: Do ảnh hưởng bởi nền kinh tế không ổn định, rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… còn có những nguyên nhân chủ quan như DN ghi nhận doanh thu, tính toán lãi lỗ không minh bạch, rõ ràng; công tác sổ sách kế toán thực hiện theo điều chỉnh của công ty mẹ ở nước ngoài… "Rõ ràng đây là hành vi chuyển giá" – Ths. Tạ Chu Uyên Nguyên nhận định.

Là đơn vị làm việc trực tiếp với nhiều DN, ông Võ Phan Sử - Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán AS – chia sẻ, Thông tư 66/2010/TT-BTC ra đời nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc chống chuyển giá tại Việt Nam. Bên cạnh quy định về xác định giá trị giao dịch liên kết của các công ty có quan hệ liên kết ngoài lãnh thổ Việt Nam, thông tư còn áp dụng cả với DN có quan hệ liên kết ở nội địa. Tuy nhiên, thông tư này không được tuyên truyền, triển khai đồng bộ, chưa đủ mạnh...

Theo ông Nguyễn Duy Bách - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, hiện nay chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để cơ quan đăng ký đầu tư quản lý giá chuyển nhượng qua các giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá trong DN FDI. Ngoài ra, việc phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan khác nhằm theo dõi hành vi chuyển giá cũng chưa được quy định cụ thể trong văn bản hiện hành.

"Thắt chặt" cơ chế phối hợp

Theo đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46), Công an TP. Hồ Chí Minh, dù giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Thuế đã có quy chế phối hợp từ cách đây 10 năm, tuy nhiên công tác này vẫn chưa hiệu quả. Đối với lĩnh vực chống chuyển giá, do Phòng Cảnh sát kinh tế không có chức năng quản lý các DN FDI nên rất hạn chế trong quản lý địa bàn, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Vì thế, 10 năm qua, PC 46 Công an TP. Hồ Chí Minh chưa nhận được một hồ sơ nào của Cục Thuế thành phố đề nghị xử lý hành vi vi phạm về chuyển giá.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, Cục Thuế thành phố nên chủ động đề xuất thành lập Ban chỉ đạo chống chuyển giá với sự tham gia của các sở, ngành liên quan, có bộ phận giúp việc và kế hoạch cụ thể theo từng tháng/quý định kỳ trao đổi thông tin để đánh giá hiệu quả tổng thể của hoạt động này. Từ đó, xác định và làm rõ quy mô, phạm vi, đối tượng, mức độ ưu tiên trong từng giai đoạn nhằm đạt hiệu quả thực tế.

Dù đã có cơ chế phối hợp trong 10 năm qua, PC 46 Công an TP. Hồ Chí Minh chưa nhận được một hồ sơ nào của Cục Thuế thành phố đề nghị xử lý các hành vi vi phạm về chuyển giá.

Thùy Dương - Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/can-hoan-thien-khung-kho-phap-ly-83900.html