Cần hỗ trợ trúng đối tượng trong giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020

Cùng với việc xem xét lại tiêu chí để doanh nghiệp được hỗ trợ cho trúng đối tượng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét, quan tâm hỗ trợ đến người lao động và đơn vị sử dụng lao động có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, bởi loại hình này cũng đã và đang phải đóng cửa hàng loạt, không sản xuất, kinh doanh

Sáng 11-6, QH thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Nhiều đại biểu băn khoăn về tiêu chí hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM phát biểu tại thảo luận tổ sáng 11-6

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM phát biểu tại thảo luận tổ sáng 11-6

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) bày tỏ sự đồng tình với việc phải giảm thuế cho DN. Tuy nhiên ông băn khoăn nếu chỉ giảm thuế cho các DN có doanh thu dưới 50 tỉ đồng và số lượng NLĐ tham gia đóng BHXH dưới 100 người. "Nhưng tôi thấy rằng DN có doanh thu trên 50 tỉ đồng và có số lao động trên 100 người, thì họ sẽ khó khăn nhiều hơn DN có doanh thu dưới 50 tỉ và có số lao động dưới 100 người chứ, nhưng họ không được giảm là điều đáng tiếc. Chúng ta cần xem xét để hỗ trợ cho trúng đối tượng"- ĐB Ngân nói và đề nghị chỉ lấy 1 tiêu chí là DN có doanh thu dưới 50 tỉ đồng chứ không nên khống chế về số lao động.

Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cũng cho rằng nếu tiêu tiêu chí như dự thảo thì các DN trên địa bàn TP nói chung và cả nước sẽ rất khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ.

Theo nữ đại biểu TP HCM, dự báo tỷ lệ NLĐ mất việc từ nay đến cuối năm sẽ rất lớn, như vậy quan hệ lao động trong các khối DN sẽ rất phức tạp. Đến thời điểm hiện nay, các chính sách hỗ trợ chỉ ở mức độ động viên của Chính phủ với các DN mà thôi. Các DN thâm dụng lao động trên địa bàn TP đang rất khó khăn, vì hầu hết không có đơn hàng mới, mà hiện chỉ đang sản xuất cầm chừng các đơn hàng cũ.

"Nếu đến thời điểm này DN nào không cắt giảm lao động, không giảm lương, thì thực sự họ đã và đang rất cố gắng để giữ được NLĐ và duy trì sản xuất".

Bên cạnh đối tượng được đề xuất hỗ trợ trong dự thảo nghị quyết, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất Chính phủ cần xem xét trên tổng thể những DN thâm dụng lao động đang sử dụng số lao động lớn ở các đô thị lớn, để có chính sách xem xét đến các khoản phí mà NLĐ cũng như DN đang phải đóng từ 3-6 tháng đầu năm 2020, bởi hiện nay, theo thông tin từ các đơn vị sử dụng trên 1.000 lao động ở TP HCM, thì nhiều đơn vị đã phải đi vay tiền ngân hàng để trả lương cho NLĐ.

Các khoản phí đi kèm như kinh phí Công đoàn, đoàn phí Công đoàn trích nộp về cho các tổ chức, hiện hầu như DN đang phải nợ hết, bởi lương cho NLĐ còn khó, nói gì đóng các khoản khác đi kèm. "Do đó đề xuất Chính phủ phải tính toán đến các loại phí khác đi kèm mà người sử dụng lao động phải đóng góp về cho Chính phủ hay các tổ chức khác để bớt khó khăn cho DN"- ĐB Thúy nói.

ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất với Chính phủ phải tính toán và quan tâm hỗ trợ đến NLĐ và đơn vị sử dụng lao động nhỏ và siêu nhỏ, bởi loại hình DN này đã phải đóng cửa hàng loạt, không sản xuất kinh doanh trong thời gian qua.

Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập DN:

- Giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

- DN căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020".

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/can-ho-tro-trung-doi-tuong-trong-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-nam-2020-20200611130446068.htm