Cần hỗ trợ thêm cho cơ sở

Qua gần một tháng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội 'về sắp xếp đơn vị hành chính (ÐVHC) cấp xã thuộc TP Hà Nội' , các phường mới được sáp nhập tại quận Hai Bà Trưng đang khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy, tuy nhiên cũng còn không ít vướng mắc cần sớm được hỗ trợ tháo gỡ.

Công chức bộ phận một cửa UBND phường Nguyễn Du hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Nguyễn

Công chức bộ phận một cửa UBND phường Nguyễn Du hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Nguyễn

Qua gần một tháng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội "về sắp xếp đơn vị hành chính (ÐVHC) cấp xã thuộc TP Hà Nội" , các phường mới được sáp nhập tại quận Hai Bà Trưng đang khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy, tuy nhiên cũng còn không ít vướng mắc cần sớm được hỗ trợ tháo gỡ.

Sớm ổn định bộ máy

Ngày 1-3, Quận ủy Hai Bà Trưng công bố thành lập Ðảng bộ phường Phạm Ðình Hổ (mới), Ðảng ủy phường đã phân công nhiệm vụ, tổ chức Kỳ họp HÐND lần thứ nhất; chính thức hoạt động bộ máy với đầy đủ chức danh chủ chốt của Ðảng ủy, HÐND, UBND; từng bước kiện toàn các tổ chức chính trị xã hội. Ðồng thời, thực hiện Nghị quyết HÐND thành phố Hà Nội ngày 21-2-2019 về sáp nhập tổ dân phố (TDP), hai phường (cũ) đã tiến hành sáp nhập TDP xong. Cụ thể, tại phường Phạm Ðình Hổ (cũ) còn tám TDP, phường Ngô Thì Nhậm (cũ) còn năm TDP.

Theo Bí thư Ðảng ủy phường Phạm Ðình Hổ, Lê Việt Hùng, với số cán bộ, công chức (CBCC) dôi dư, việc sắp xếp thuộc thẩm quyền quận và theo quy định hoàn thành trong 5 năm, riêng Hà Nội chủ trương đẩy nhanh, cho nên quận, phường phấn đấu hoàn thành trong hai năm 2021 - 2022. Trước mắt, Thường trực Ðảng ủy, UBND phường đã phân công lại các vị trí sau hợp nhất, đến nay bộ máy hoạt động ổn định. "Khó tránh khỏi băn khoăn của CBCC, nhưng cả cán bộ chủ chốt và những người hoạt động không chuyên trách đã dần thông suốt, bởi chúng tôi đã trao đổi về đề án, xác định rõ với cán bộ, đảng viên dù được điều động về đâu, thì cũng sẽ được bố trí theo đúng chuyên môn. Nhờ cả hệ thống đồng lòng, phường đã thay đổi xong bộ máy chỉ trong vài ngày trước khi thực hiện Nghị quyết", đồng chí Lê Việt Hùng chia sẻ.

Tại phường Nguyễn Du (mới), từ ngày 1-3, CBCC đang phụ trách mảng nào thì tiếp tục chịu trách nhiệm mảng đó, tránh tình trạng bị sót việc trong giai đoạn chuyển đổi. Phường Nguyễn Du trước vẫn thiếu CBCC ở một số vị trí, cho nên khi sáp nhập phường, số CBCC dôi dư không đáng kể. Quận đã xây dựng đề án, sau rà soát sẽ bố trí phù hợp, có thể điều động sang vị trí còn thiếu tại phường khác. "Theo quy định, nếu các lao động hợp đồng không muốn làm việc tiếp tại phường sẽ được giải quyết theo Luật Lao động và hướng dẫn của thành phố; nếu vẫn muốn làm tiếp, UBND phường sẽ ký tiếp hợp đồng (giúp việc cho công chức), riêng tại bộ phận "một cửa" phải là công chức", Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, Dương Minh Ðức cho hay.

Tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở hoàn thành nhiệm vụ

Mặc dù bộ máy đang dần ổn định, song khó khăn nhất hiện nay với phường Phạm Ðình Hổ là trụ sở UBND phường khá chật chội, không tạo sự thoải mái cho công dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Do đó, để sớm có mặt bằng phục vụ người dân tốt hơn, lãnh đạo phường đề xuất quận cho chuyển trụ sở giữa UBND phường và Ðảng ủy phường, vì trụ sở Ðảng ủy rộng hơn, mà không phải tiếp nhiều công dân, giải quyết TTHC.

Ðáng chú ý, sau khi ra mắt ÐVHC phường mới, các phường phải thực hiện luôn việc sáp nhập TDP. CBCC phường giờ lại phải nắm bắt thêm địa bàn, trong khi tổ trưởng TDP mới chưa thể sâu sát ngay. Phường Nguyễn Du (mới) có 10 TDP, mỗi tổ có từ 190 hộ đến 445 hộ, tổ ít nhất cũng có gần 700 nhân khẩu. Do không có tổ phó, phường phải nhờ các bác tổ trưởng TDP (cũ) cùng lo các công việc với tổ trưởng mới, nhưng có những bác vì lý do sức khỏe cho nên sự phối hợp cũng hạn chế. Với những TDP có đông dân thì nhà sinh hoạt cộng đồng không thể đáp ứng được nhu cầu hội họp. TDP số 10 phường Nguyễn Du có gần 300 hộ dân, mỗi khi họp có ít nhất 150 người dự, nhưng điểm sinh hoạt cộng đồng tại số 18 phố Nguyễn Thượng Hiền chỉ chứa được cao nhất là 70 người; muốn họp trực tuyến thì phải đủ hạ tầng, cán bộ cơ sở biết sử dụng công nghệ thông tin…

Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phường mới sáp nhập lại quá nhiều việc đột xuất, địa bàn rộng hơn, cho nên với số CBCC hiện nay thì các phường mới đang trong tình trạng quá tải. Quy định về sáp nhập ÐVHC cho thời gian ổn định trong 5 năm, nhưng nếu kéo dài tình trạng như vậy sẽ rất khó khăn. Nhiều việc phát sinh trong quá trình sáp nhập mà cơ sở chưa lường hết, cho nên rất bối rối khi thực hiện; cần phải điều chỉnh dần. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, Dương Minh Ðức đề nghị: "Không riêng phường Nguyễn Du, mà các phường, xã sau khi sáp nhập đều gặp phải những khó khăn này, mong các cấp, các ngành sớm hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể cho phường. Trong đó, trụ sở cơ quan cần được đầu tư căn cứ số phòng ban, số dân phải quản lý. Việc luân chuyển CBCC cũng cần tính theo chuyên môn của CBCC, bởi nếu được bố trí công việc đúng sở trường, thì CBCC sẽ làm việc hiệu quả hơn. Ðáng chú ý, cần quan tâm hơn về chế độ cho cán bộ cơ sở và CBCC phường. UBND phường Nguyễn Du có ba lãnh đạo, còn lại là công chức, chia ra quản lý 11 nghìn người dân tại 10 TDP; số CBCC sau sáp nhập giữ nguyên, nhưng địa bàn rộng, số dân tăng gần gấp hai lần, lại giảm nhiều cán bộ cơ sở, không còn tổ phó dân phố. Hiện, phường có 25 tuyến phố văn minh đô thị, nhiều nhất quận Hai Bà Trưng. Ngoài các tổ trưởng cùng công an phường, phải huy động thêm lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố để duy trì trật tự văn minh đô thị trên 25 tuyến phố, cho nên phải chi thêm ngân sách bồi dưỡng. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ thêm cho cán bộ cơ sở, chứ ngân sách phường không thể đủ.

LAN HẠ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43849502-can-ho-tro-them-cho-co-so.html