Cần hỗ trợ người chăn nuôi heo tái đàn

Đầu tháng 9-2019, giá heo hơi tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL chỉ ở mức từ 37.000-41.000 đồng/kg, nhưng bước sang tháng 10 đã vọt lên ở mức 55.000-58.000 đồng/kg (tương đương 5,5-5,8 triệu đồng/tạ) và hiện đang duy trì ở mức cao này. Theo nhiều hộ dân chăn nuôi heo, giá heo hơi ở mức 5,8 triệu đồng/tạ, xuất bán mỗi con heo khoảng 100kg, người chăn nuôi heo có thể đạt mức lời khoảng 2 triệu đồng/con. Nhiều dự báo vào dịp Tết Nguyên đán 2020 nhu cầu thịt heo tăng cao, khả năng giá heo hơi và thịt heo sẽ ở mức cao. Dù vậy, người dân nuôi heo vẫn đang ngại tái đàn...

Ngại rủi ro

Ông Trương Văn Hem, ngụ ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: "Trước đây, tôi thường xuyên nuôi trên 20 con heo thịt, nhưng từ khi có dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tôi đã bán gần hết đàn heo, chỉ còn nuôi 6 con heo lứa. Tôi chưa dám tái đàn heo vì sợ rủi ro do dịch bệnh, giá cả không ổn định lâu dài, vì chưa có hợp đồng bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp". Bà Nguyễn Thị Tuyền, ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Sau khi 9 con heo bị thiệt hại do bệnh DTHCP, tôi nghỉ nuôi heo gần 2 tháng nay. Gần đây, nghe nói giá heo vượt lên mức hơn 5,5 triệu đồng/tạ, người chăn nuôi heo có thể đạt mức lời rất hấp dẫn, nhưng tôi vẫn chưa dám bắt heo con thả nuôi vì sợ tái phát bệnh DTHCP. Hơn nữa, gia đình tôi cũng gặp khó về vốn đầu tư nuôi heo, lại khó tìm mua con giống. Dự định sẽ bỏ trống chuồng trại trong 6 tháng mới dám nuôi heo trở lại cho an toàn hơn".

Chăn nuôi heo tại hộ bà Nguyễn Thị Huệ ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Chăn nuôi heo tại hộ bà Nguyễn Thị Huệ ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Hiện nay, vẫn có người dân quyết định tái bầy heo để nắm bắt cơ hội về giá cả đầu ra đang tốt, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp chăn nuôi heo theo các mô hình trang trại khép kín đảm bảo tốt vấn đề an toàn sinh học và dịch bệnh. Ngoài ra, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ cũng quyết định tái đàn heo. Bà Nguyễn Thị Huệ, ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Dù tình hình bệnh DTHCP còn phức tạp, nhưng tôi vẫn mua 5 con heo con về thả nuôi để chuẩn bị phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán 2020, hiện heo đã được hơn 20 kg/con, dự kiến sẽ xuất bán sau 4 tháng nuôi. Ngoài ra, tôi còn có 5 con heo lứa, mỗi con nặng khoảng 40kg, sẽ xuất bán trước Tết. Tôi nuôi ít, chấp nhận rủi ro... Thời gian qua, gia đình tôi luôn duy trì nuôi thường xuyên từ 6-10 con heo".

Hỗ trợ người dân tái đàn heo

Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi do thị trường sản phẩm chăn nuôi có nhiều biến động về giá cả, sức mua và thời tiết, nhất là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, bệnh DTHCP đã xảy ra gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi, với gần 50% đàn heo của thành phố bị ảnh hưởng. Ngành nông nghiệp và địa phương nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân xuất bán kịp thời lượng heo hơi sạch bệnh để tránh thiệt hại. Một tín hiệu đáng mừng là gần đây bệnh DTHCP có dấu hiệu chậm lại, số hộ dân nuôi heo xảy ra dịch bệnh và số heo tiêu hủy giảm nhiều so với trước đây. Hiện các cơ quan chức năng thành phố và địa phương chủ động khuyến khích và hướng dẫn các trại, hộ chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất.

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố xây dựng Kế hoạch tái đàn, khôi phục sản xuất sau dịch bệnh và phát triển chăn nuôi heo bền vững từ nay đến cuối năm 2019. Trong đó, chú ý tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người chăn nuôi tiếp tục nâng cao ý thức về công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tái đàn heo đảm bảo theo quy định. Đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện tùy tình hình thực tế địa phương mà xem xét có khuyến cáo để người dân phát triển chăn nuôi các loại vật nuôi phù hợp nhằm bù đắp một phần do thiếu hụt nguồn cung thịt heo trên nguyên tắc kiểm soát được dịch bệnh, cân đối cung cầu thực phẩm và đảm bảo sinh kế cho người dân. Tích cực tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt heo sạch, an toàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng nhấn mạnh, việc tái đàn heo phải đảm bảo đủ các điều kiện và tiêu chuẩn, tránh bị thiệt hại do dịch bệnh. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cùng các sở, ngành thành phố và địa phương phải tăng cường hướng dẫn nông dân chủ động phòng chống các loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhất là tăng cường quản lý chặt chẽ đối với bệnh DTHCP. Đẩy nhanh việc thực hiện hỗ trợ cho những hộ dân có heo bị thiệt hại do bệnh DTHCP và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại những nơi đủ điều kiện tái đàn, tăng cường nguồn cung heo hơi phục vụ thị trường Tết. Đồng thời, quan tâm công tác kiểm dịch thú y, quản lý chặt việc vận chuyển, giết mổ, mua bán heo hơi và thịt heo.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố khuyến cáo người dân và các cơ quan chức năng tại địa phương cần tập trung giám sát, hướng dẫn chống dịch và xử lý dịch bệnh theo quy định. Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi chưa xảy ra dịch bệnh, cần tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học nghiêm ngặt để bảo vệ đàn heo. Khuyến khích tái đàn (nhất là ưu tiên phát triển đàn heo giống cung cấp cho địa bàn thành phố) với điều kiện đảm bảo vệ sinh và chăn nuôi an toàn theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Đối với các cơ sở chăn nuôi đã xảy ra dịch bệnh, khi tái đàn cần đảm nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và các điều kiện theo quy định. Cụ thể, như kiểm soát chặt chẽ người, động vật, côn trùng, chuột, các vectơ truyền bệnh ra vào khu vực chăn nuôi. Cải tạo lại chuồng trại, phải thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc. Có lưới bao xung quanh chuồng nuôi để ngăn chặn động vật mang trùng như chuột, chim, ruồi, muỗi... Không sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng. Khuyến cáo nên sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn. Nguồn nước sử dụng cho chăn nuôi heo phải đảm bảo an toàn, không sử dụng nước sông, mương, ao hồ chưa được xử lý để tắm rửa hoặc cho heo uống. Nếu sử dụng thì phải thực hiện các biện pháp xử lý nước theo quy định. Heo được nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP. Đối với heo nhập từ ngoài thành phố phải có Giấy kiểm dịch. Chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh của cơ quan thú y và chính quyền
địa phương...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-ho-tro-nguoi-chan-nuoi-heo-tai-dan-a114565.html