Cần hiểu rõ bản chất của quan hệ ủy quyền

*Bạn đọc hỏi: ông Đinh Xuân Phương, trú Quảng Nam, hỏi: Ba mẹ tôi hiện nay đang sinh sống ở nước ngoài. Trước khi đi nước ngoài, ba mẹ tôi có ủy quyền (UQ) cho tôi được toàn quyền quản lý và sử dụng căn nhà và đất tại TP Tam Kỳ (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà). Ngoài ra, trong giấy UQ còn có nội dung là tôi được toàn quyền định đoạt căn nhà và đất này sau khi ba mẹ tôi qua đời. Như vậy, với giấy tờ này, sau khi ba mẹ tôi qua đời, tôi có thể làm thủ tục để được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà hay không?

Ths.LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: UQ được hiểu là cá nhân, tổ chức cho phép cá nhân, tổ chức khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hoặc nhiều hành động pháp lý nào đó; và cá nhân, tổ chức UQ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc UQ đó. UQ là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người UQ và người được UQ, đồng thời nó cũng là cơ sở để người UQ tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động UQ mang lại. Đối với văn bản UQ, bản chất của nó là hình thức giao kết mà cá nhân, tổ chức phải trực tiếp thực hiện thông qua giấy UQ hoặc hợp đồng UQ. Nếu một trong hai bên (người UQ hoặc người được UQ) chết, thì văn bản UQ chấm dứt (theo khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015). Từ thời điểm chết, tất cả mọi quyền liên quan của cá nhân đó không còn nữa. Do đó, giấy UQ hoặc hợp đồng UQ do người đó xác lập cũng sẽ chấm dứt hiệu lực, không còn giá trị pháp lý. Lúc này, quyền về tài sản của người đã chết sẽ được tự động chuyển sang người thừa kế theo di chúc (nếu có) hoặc người thừa kế theo pháp luật. Từ sự phân tích trên đây, có thể kết luận nội dung ba mẹ ông Phương UQ cho ông được toàn quyền định đoạt căn nhà và đất sau khi ba mẹ ông qua đời là không đúng với bản chất của quan hệ UQ, không phù hợp với quy định của pháp luật. Nói cách khác, ông Phương không thể dùng giấy UQ đó để làm các thủ tục liên quan đến mở thừa kế, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi ba mẹ ông qua đời. Để có thể làm thủ tục đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi ba mẹ qua đời, ông Phương nên hướng dẫn, trao đổi với ba mẹ mình lập di chúc để lại toàn bộ nhà và đất cho ông. Để di chúc đảm bảo tính pháp lý cao, tránh tranh chấp về sau, ba mẹ ông Phương nên lập di chúc tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Việt Nam ở quốc gia mà họ đang cư trú.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_214209_can-hieu-ro-ban-chat-cua-quan-he-uy-quyen.aspx