Cần hiểu đúng về huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục

Từ vụ thu kêu gọi tự nguyện ở Hải Phòng cho thấy, cách thức thu vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh.

Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao bức thư do hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng) ký. Trong bức thư này, nhà trường đưa ra kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập... Tổng số tiền trên 900 triệu đồng, mỗi phụ huynh phải đóng nhiều các khoản tự nguyện.

Cũng vấn đề này, một phụ huynh khác của trường Tiểu học Đông Vệ 2 (Thanh Hóa) kêu cứu: Mỗi năm lớp 1 cần mua bàn ghế cho 45 cháu, 1 bảng từ, máy chiếu, bàn ghế giáo viên, tổng giá trị khoảng 55 triệu đồng và chia đều cho mỗi phụ huynh, mỗi người đóng 1,3 triệu... Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác nữa.

Thư kêu gọi hỗ trợ hơn 900 triệu đồng của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, Hải Phòng bị phụ huynh đưa lên mạng

Thư kêu gọi hỗ trợ hơn 900 triệu đồng của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, Hải Phòng bị phụ huynh đưa lên mạng

Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp

Trước những thông tin trên, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ GD-ĐT cho biết, lạm thu trong trường học mỗi dịp đầu năm học mới là vấn đề không phải mới, năm nào chúng ta cũng bàn đến chuyện lạm thu, mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh, kiểm tra và xử lý kỉ luật, có hình thức kỉ luật rất thích đáng. Khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Đặc biệt trong xu thế hội nhập và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra.

Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang gặp phải vấn đề khá nghiêm trọng. Đó là chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục. Không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa...

Bộ GD-ĐT năm nào cũng chủ động ban hành rất sớm các văn bản để hạn chế lạm thu, như đầu tháng 3/2018, Bộ đã có văn bản hướng dẫn về các địa phương (văn bản 1029 ngày 29/3) gửi các địa phương hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu. Trong đó nêu các vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, vừa rồi, vẫn tái diễn tình trạng lạm thu ở đâu đó trên nhiều địa phương.

Từ câu chuyện kêu gọi sửa chữa cơ sở, nhưng làm không đúng, triển khai xin phép như Hải Phòng, cho thấy tư duy, cách thức thu và quản lý tài chính huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ. Thực tế có nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy- học cho các con. Nhưng vẫn còn rất nhiều những nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện.

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT)

Người đứng đầu ngành giáo dục địa phươngphải gánh một phần trách nhiệm.

Hiện nay, dư luận xã hội cho rằng, cần có biện pháp xử lý kiên quyết, đặc biệt với người đứng đầu ngành giáo dục ở địa phương để chấm dứt tình trạng năm nào cũng lạm thu.

Ông Trần Tú Khánh cho biết, theo phân cấp quản lý, đúng là người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là Sở GĐ-DT phải gánh một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, năm học 2017-2018, Bộ cũng cùng với các địa phương và cơ quan thanh kiểm tra, xử lý quyết liệt; đã có những trường hợp đau lòng như kỉ luật và khởi tố người đứng đầu trường.

Ở đây, trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Còn liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh thì trong thông tư 55 đã nói rất rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền từ chối những gợi ý, kêu gọi các khoản đóng góp không phù hợp. Nếu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu, nắm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của mình để thực hiện đúng và có sự chia sẻ với những phụ huynh khác thì sẽ không để xảy ra tình trạng lạm thu được.

Hiện trong điều kiện nguồn lực nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, nếu không có các nguồn tài chính từ cho, biếu, tặng, đặc biệt nguồn xã hội hóa để cùng gánh vác với ngành Giáo dục sẽ rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáp dục. Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các khoản xã hội hóa, nguồn cho biếu tặng gửi các cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện đúng, hiệu quả.

Tuyệt đối cấm các khoản thu áp đặt, cào bằng

Để hạn chế “nở rộ” các khoản thu đầu năm, hàng năm, Bộ đều cố gắng rà soát các văn bản pháp quy để hạn chế tối đa, đồng thời gắn kết với các kế hoạch thanh toán kiểm tra và chỉ đạo các địa phương rà soát phát hiện và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh cũng hiểu đúng về huy động các nguồn thu từ xã hội. Bên cạnh các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ, nhà trường cũng rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh học sinh tùy mức độ khả năng của từng gia đình. Tuy nhiên, tuyệt đối cấm các khoản thu áp đặt, cào bằng. Đặc biệt, nhà trường phải công khai minh bạch với các khoản thu này. Đây có thể coi như một khoản ngân sách, cần thực hiện đúng theo các quy định của luật, như xây dựng, đấu thầu, mua sắm...

Bích Lan/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-gddt-len-tieng-ve-khoan-thu-tu-nguyen-khung-o-hai-phong-802932.vov