Cần hiểu đúng, phản ánh đúng và công bằng về nhiệt điện than

Thời gian qua, dư luận vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm về nhiệt điện than, thậm chí nhiều địa phương không ủng hộ. Vấn đề cần đặt ra là cần hiểu đúng, phản ánh đúng và công bằng về vai trò của nhiệt điện than đối với hệ thống điện cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đảm bảo đủ than cho sản xuất điện

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018 – 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.

Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc có nên phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than hay không là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, dư luận vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm về nhiệt điện than, thậm chí nhiều địa phương không ủng hộ. Vấn đề cần đặt ra là cần hiểu đúng, phản ánh đúng và công bằng về vai trò của nhiệt điện than đối với hệ thống điện cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than”

Phát biểu tại Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than” tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 13/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026 -2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển cần phát triển nguồn điện hài hòa nhất là trong bối cảnh các thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Đơn cử như nguồn khí, hiện tổng công xuất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm.

Do đó trong giai đoạn tới, nhiệt điện than đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam - nhận định, nhiệt điện than có vai trò rất lớn trong hệ thống điện Việt Nam. So với quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh thì tình hình triển khai phát triển nguồn điện, trong đó có nhiệt điện gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Với nhu cầu điện tăng cao, nguy cơ thiếu điện là rất lớn.

Trong 15-20 năm nữa, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng vì chưa có nguồn điện nào đủ thay thế. Tuy nhiên cần hiểu đúng, nói đúng về nhiệt điện than. Muốn vậy phải có thông tin khoa học chính xác để tránh hiểu lầm và suy diễn.

"Chúng ta không thể lấy một vài sự cố của một và nhà máy nhiệt điện than - đã được khắc phục, để quy kết cho tất cả các nhà máy nhiệt điện" – ông Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) - nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi; nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát và chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ), nguy hại. Hiện đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này và các nhà máy cơ bản đã làm rất tốt. Đặc biệt là việc thực hiện quan trắc liên tục khí thải của nhà máy và truyền số liệu về các Sở Tài nguyên & Môi trường để giám sát, thực hiện quan trắc liên tục (Clo dư, pH, lưu lượng) tại cửa xả để giám sát chất lượng nước làm mát.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được đánh giá cao về mô hình quản lý

Ông Phạm Anh Dũng cũng đánh giá cao mô hình của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (EVN), ngoài việc tuân thủ các quy định, còn công bố công khai thông tin, mời các cơ quan quản lý, người dân tham quan, giám sát.

Theo ông Lê Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay, ngành điện đã đảm bảo công tác môi trường ngày càng tiến bộ, không xảy ra sự cố nào về môi trường do các dự án điện gây nên. Hiện điện than là nguồn điện có giá thành hợp lý nhất và là giải pháp đảm bảo cung cấp điện chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập người dân. Từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong có cấu nguồn điện, có như vậy mới đảm bảo cung cấp đủ điện với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế đất nước.

Đại diện Công ty Kepco - Hàn Quốc chia sẻ, tại Hàn Quốc, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò cơ bản trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế, giá cả lại cạnh tranh. Nếu so sánh về dân số thì công suất đặt nhiệt điện than ở Hàn Quốc gấp 3 lần Việt Nam và so sánh diện tích thì công suất đặt gấp 10 lần Việt Nam. Các vấn đề môi trường được kiểm soát tốt do Hàn Quốc sử dụng công nghệ cao, đồng thời sử dụng nguồn tro xỉ một cách triệt để.

Theo các chuyên gia, nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác (giá nhiệt điện than thấp chỉ sau thủy điện). Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đã và đang được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ, các Bộ ngành cũng như các tổ chức xã hội và nhân dân nơi có dự án.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-hieu-dung-phan-anh-dung-va-cong-bang-ve-nhiet-dien-than-113333.html