Cần 'hành lang pháp lý' để chống chuyển giá

Không chỉ các doanh nghiệp (DN) FDI mà nhiều DN nội cũng có dấu hiệu chuyển giá – đây là ý kiến của nhiều đại biểu được đưa ra trong Hội thảo 'Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay' được tổ chức ngày 19/7 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức này,ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Hiện nay không chỉ các DN FDI mà các DN nội địa cũng có dấu hiệu rất rõ ràng về hiện tượng này. Đã có nhiều DN nhà nước vi phạm mà tiêu biểu phải kể đến Tổng Cty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ông Hồ Đức Phớc cũng đưa ra các cảnh báo: Các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay mà các DN thường sử dụng gồm: Chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, chuyển giá ẩn trong thu nhập, chuyển giá đa chiều, chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác…

“Chuyển giá không những là một hình thức gây thất thu lớn cho ngân sách mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác” – Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Cần tăng cường hành lang pháp lý về chống chuyển giá (Ảnh minh họa)

Theo thống kê được đưa ra, trong giai đoạn 2015-2017, có khoảng 50% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN kê khai lỗ nhiều năm liền. Mặc dù kê khai lỗ liên tục, song nhiều DN vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất?! Có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu đã có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Hiện tượng chuyển giá được cho là ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn, nhưng theo các đại biểu tại Hội thảo, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ. Vì sự thiếu và yếu này nên tạo ra nhiều lỗ hổng và dẫn đến hiệu lực quản lý thấp. Bên cạnh đó, việc thực hiện hành lang pháp luật đối với chuyển giá chưa phát huy được thế mạnh của mình.

Về khía cạnh pháp luật và pháp lý này, ông Hồ Đức Phớc tiếp tục đưa ra quan điểm: “Công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, có hệ thống đầy đủ đúng với bản chất của nó. Từ đây đã dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế…”.

Nhấn mạnh hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Đại học Tài chính) cho rằng, trước mắt cần bổ sung một điều luật về kiểm soát chuyển giá vào Luật Quản lý thuế. Về lâu dài nên ban hành Luật Kiểm soát chuyển giá. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho công tác kiểm soát chuyển giá. Nếu làm được nó sẽ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập DN mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đủ mạnh và hiệu lực nhằm hỗ trợ cho công tác đấu tranh chống chuyển giá của cơ quan thuế Việt Nam. Các khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam cần được xây dựng và hoàn thiện dựa trên các quy tắc, thông lệ và thực tiễn của thế giới gắn với bối cảnh Việt Nam, hạn chế các khác biệt hóa trong các quy định.

Bài và ảnh: Đơn Thương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/can-hanh-lang-phap-ly-de-chong-chuyen-gia-40610