Cần hạn chế xe máy theo lộ trình

Tại Hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 20-4 tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia và cơ quan chức năng nhận định, việc "bùng phát" xe máy cá nhân đang gây quá tải hạ tầng giao thông đô thị. Tuy nhiên, việc hạn chế cần có lộ trình, đồng thời đẩy mạnh phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng mới mong xoay chuyển tình thế.

"Đô thị hẻm"... dẫn tới nhiều xe máy!

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), hiện thành phố có mật độ đường đạt 1,9km/km2, trong khi theo quy chuẩn phải từ 4 đến 6km/km2; tỷ lệ diện tích đất cho giao thông chỉ hơn 7,9%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của một thành phố trên thế giới (khoảng 20 đến 25%). Trong khi đó, trên địa bàn trung bình mỗi năm lượng xe máy tăng từ 7 đến 8%, tương đương khoảng 400.000 đến 500.000 chiếc. Thành phố có khoảng 98% hộ gia đình có xe máy, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới.

Xe cá nhân tăng nhanh làm gia tăng kẹt xe tại TP Hồ Chí Minh.

TS.KTS Nguyễn Thiềm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị thành phố cho rằng, sự "bùng phát" xe máy là do thành phố đã và đang trở thành “đô thị hẻm”. Cụ thể, có khoảng 25 đến 30% nhà đô thị ở mặt tiền, còn lại hơn 70% nhà hẻm. Vì vậy, vai trò của xe máy hết sức quan trọng vì bảo đảm tính linh hoạt trong sinh hoạt của người dân. Nhiều khu vực tại quận 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận… bán kính tới trạm xe buýt từ 100 đến 800m. Nếu tính đi trong các đường hẻm thì chiều dài đi bộ hơn 1km. Với bất cập này nếu đi phương tiện công cộng, người lao động mất khoảng 1 đến 2 giờ mới tới khu vực cần đến, còn nếu đi xe máy chỉ mất dưới 30 phút.

Vấn đề ở chỗ, theo TS Lương Hoài Nam, khi xe máy trở thành phương tiện giao thông chính, sẽ là yếu tố kìm hãm, cản trở phát triển của giao thông công cộng (GTCC), nhất là xe buýt. Tại TP Hồ Chí Minh, bình quân trên 1km đường có hơn 2.000 xe máy và hơn 130 ô tô các loại tham gia giao thông. Khi đó, xe buýt không còn làn đường thông thoáng để chạy đúng giờ, đúng tuyến và an toàn, nên không thể trở thành sự lựa chọn ưu tiên của người dân.

Không nên sử dụng biện pháp cấm đoán

Từ thực tế trên, theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, TP Hồ Chí Minh cần hạn chế xe máy có lộ trình, hướng tới tỷ lệ tham gia giao thông của loại xe này dưới 40%. Đồng thời, thành phố cần phát triển và hoàn thiện hệ thống GTCC như: Xe buýt, xe buýt nhanh, tàu điện mặt đất, tàu điện ngầm... để phục vụ việc đi lại của người dân, qua đó dần thay thế hoàn toàn xe máy. Mặt khác, chính quyền cũng cần tạo dựng cơ chế đặc thù cho phát triển GTCC để đến năm 2025, tỷ lệ khách đi lại bằng GTCC đạt 65%, tương đương với thành phố hiện đại và văn minh trên thế giới.

TS Lương Hoài Nam cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần sớm đưa ra đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. “Nếu lấy xe buýt là giải pháp GTCC chủ lực thì lộ trình hạn chế và tiến tới loại bỏ xe máy dài tối đa 15 năm, thậm chí chỉ 10 năm”, TS Nam nhận định. Về quy hoạch, TS.KTS Nguyễn Thiềm nêu ý kiến, để giảm phương tiện cá nhân, ngành Giao thông cần kết hợp với ngành Quy hoạch để có các giải pháp xây dựng hợp lý luồng tuyến GTCC.

Theo TS Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT (Bộ GT-VT), việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân không nên sử dụng giải pháp cấm đoán mà phải tuyên truyền, dùng các biện pháp hạn chế, kiểm soát vùng, khu vực hoạt động vào thời điểm thích hợp và có lộ trình, để không gây bức xúc cho người dân. Đồng thời, không phân biệt đối xử giữa các loại phương tiện và giữa người đi ô tô với người đi xe máy.

TP Hồ Chí Minh hiện có gần 4.900 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 4.000km. Thành phố hiện có gần 8 triệu phương tiện (trong đó có gần 650.000 xe ô tô và hơn 7,3 triệu xe mô tô). Riêng xe mô tô tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng hơn 63% so với cuối năm 2010, chưa tính hơn 1 triệu phương tiện mang biển số các tỉnh lưu thông trên địa bàn.

Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/867166/can-han-che-xe-may-theo-lo-trinh