Cần hạn chế việc đình chỉ vụ án dân sự

Nhiều vụ án dân sự bị tạm đình chỉ, khiến thời gian vụ án được đưa ra xét xử bị kéo dài, ảnh hưởng tâm lý, gây mệt mỏi, tốn kém cho các đương sự, đòi hỏi cơ quan quản lý cần có các biện pháp kịp thời, đồng bộ để sớm giải quyết tình trạng này.

Ảnh minh họa nguồn internet.

Lạm dụng “đình chỉ vụ án”

Thống kê, số vụ việc mà TAND hai cấp tại TP Hồ Chí Minh thụ lý chiếm 1/5 số vụ việc cả nước và tính chất ngày càng phức tạp. Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 19.000 vụ việc cần thụ lý (trong khi cả năm 2017 là 22.500 vụ việc).

Tòa án các cấp đã giải quyết gần 4.800 vụ việc và hiện đang có 14.000 vụ việc chưa được giải quyết, trong đó có gần 4.500 vụ việc đang tạm đình chỉ. Qua con số trên, có thể thấy, các vụ án bị tạm đình chỉ ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang có diễn biến ngày càng phức tạp.

Việc tạm đình chỉ, cũng như chậm đưa vụ án ra xét xử, để án quá hạn đang là gánh nặng đặt lên vai các đương sự khi phải vất vả, mệt mỏi và tốn kém khi vụ án kéo dài quá lâu.

Tiêu biểu như vụ ly hôn giữa ông Nguyễn Ngọc Huyên và bà Lê Thị Thu Nga tại TAND quận Phú Nhuận. Mặc dù tòa thụ lý từ ngày 8/10/2012, tuy nhiên, gần bốn năm sau, vụ án mới được đưa ra xét xử.

Chưa hết, sau đó, vì có kháng cáo, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy một phần bản án, trả lại hồ sơ về TAND quận Phú Nhuận vào ngày 2/6/2017.

TAND quận Phú Nhuận đã tiếp tục “ngâm” án cho đến nay để “nâng” tổng thời gian giải quyết một vụ ly hôn lên hơn 6 năm và ra quyết định “tạm đình chỉ vụ án” trước sự ngỡ ngàng của đương sự.

Theo Điều 214, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ như: Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập…; Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;…

Trong đó, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, sở dĩ dẫn đến tình trạng án quá hạn hiện nay là do do tòa án “lạm dụng” lý do đình chỉ vụ án là: Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của tòa án mới giải quyết được vụ án.

Trong khi đó, do vụ án được tạm đình chỉ, khi có căn cứ phục hồi, tòa án ra thông báo tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết và thời hạn giải chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự của vụ án đó sẽ được tính lại từ đầu, làm vụ án thêm kéo dài.

Cần nhiều giải pháp

Để hạn chế việc “lạm dụng” quyết định tạm đình chỉ vụ án, TAND Tối cao đã có Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ra ngày 19/6/2017 về việc “Ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND”.

Trong đó quy định thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày khi ra từ 2 quyết định tạm đình chỉ xét xử, giải quyết vụ, việc không có căn cứ gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, chế tài này khó được thực hiện bởi trong rất nhiều quyết định tạm đình chỉ vụ án có lý do “thu thập thêm chứng cứ…”. Và hiện nay chưa có chế tài trong việc việc chậm trễ, để kéo dài quá trình thu thập chứng cứ.

Qua một số vụ án bị tạm đình chỉ, dẫn đến vụ án kéo dài thời gian có thể nhận thấy nguyên nhân chính là do số lương cán bộ, thẩm phán tại các tòa án, nhất là tòa án cấp sơ thẩm còn mỏng; năng lực chuyên môn còn hạn chế, dẫn đến công tác thu thập chứng cứ chậm trễ, bị kéo dài.

Bên cạnh đó là sự thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện công vụ của cán bộ, thẩm phán. Quá trình giải quyết các vụ án vẫn còn chọn những vụ đơn giản để giải quyết trước nhằm đạt chỉ tiêu công tác.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan như: nhiều vụ án có tính chất phức tạp; một số quy định của pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa có hướng dẫn kịp thời; các cơ quan, tổ chức liên quan chưa thật sự phối hợp trong việc cung cấp văn bản, tài liệu…

Vì vậy, để hạn chế tình trạng đình chỉ vụ án dân sự, TAND các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị trực thuộc, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc; có hình thức xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực hoặc có vi phạm.

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tích cực phối hợp tòa án trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho các thẩm phán, nhất là thẩm phán cấp sơ thẩm.

Khi giải quyết xong các vụ án phức tạp, phải có tổng kết, rút kinh nghiệm để có sự trao đổi, học tập giữa các cấp đối với các vụ án dân sự. Hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm luật, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng…

Nguyễn Bích Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/can-han-che-viec-dinh-chi-vu-an-dan-su-d74987.html