Cần giữ gìn và phát huy thói quen thật thà, biết giúp đỡ người khác của trẻ

Trẻ em được giáo dục tốt sẽ có những thói quen tốt. Đức tính thật thà và hay giúp đỡ mọi người là những đức tính cần được gìn giữ và phát huy.

Thói quen giúp đỡ người khác

Có bận tôi đi vào vùng sâu thuộc xứ Bến Tre tác nghiệp, tiện đường tìm người quen luôn thể. Tình cờ gặp đứa bé bị khuyết tật một chân. Em tuổi độ chừng đang học tiểu học. Tôi hỏi thăm đường và nói tên người mình cần tìm, em vừa rẽ vào nhà, tập tễnh khó nhọc lần bước qua chiếc cầu cau bắc qua mương vườn, vừa ngoái đầu lại thưa: “Chú chờ con một chút”.

Tôi nghĩ thầm, chắc là thằng nhỏ bỏ vào nhà mà còn gạt mình đây. Không ngờ em vào nhà để cất chiếc cập nặng trĩu trên vai, rồi quay lại, dẫn tôi đi cho tiện. Vì từ đó đến nhà người quen của tôi chừng ba trăm mét, bấy giờ các con đường nông thôn vào mùa mưa còn trơn trượt, lầy lội. Nhìn em ngây thơ, nhiệt tình hỏi chuyện huyên thuyên tôi lấy làm xấu hổ, hối hận cho việc nghĩ xấu về em.

Giúp đỡ người khác là đức tính tốt cần thiết cho một người thành đạt

Tính thật thà, không tham lam

Có bận đi tìm tư liệu viết bài về hoa kiểng Cái Mơn của Bến Tre, về đến cầu Hàm Luông, tôi tạc vào quán uống vội ly chanh đường. Bất ngờ có đứa bé trai tay cầm hai tờ vé số, đội chiếc nón vải sờn cũ, bạc màu, bước vào. Em cúi đầu chào tôi xong rồi mời tôi mua vé số. (Nói rằng mời chứ thật ra em van nài tôi mua cho em hai tờ vé số cuối cùng thì đúng hơn. Vì lúc đó trời cũng đã ngã chiều rồi). Tôi không ngần ngại giúp em.

Bán xong em cầm tiền, mừng quýnh và không quên mở lời cám ơn. Chừng năm phút sau, bất chợt em quay trở lại, hối hả lao vào quán, đưa ra tờ năm trăm ngàn đồng cho tôi. Vừa thở vừa nói: “Chú đưa lộn tiền, con trả lại chú, tham tiền của người khác, tội chết chú ơi!”. Thì ra khi trả tiền vé số tôi cứ ngỡ tấm hai mươi ngàn đồng. Lần này tôi đưa em tờ hai mươi ngàn, chưa kịp cảm ơn hay hỏi thăm gì về em, thì em đã vội đi mất.

Lúc ấy chị chủ quán mới quay sang kể chuyện về đứa bé bán vé số đó: “Tội nghiệp thằng nhỏ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với bà ngoại, nhà mút trong vườn, đi học một buổi, một buổi đi bán vé số. Mà học giỏi, lại tốt bụng nữa nghen! Hễ thấy mấy cụ già nào qua đường mà ngập ngừng là nó chạy liền tới nắm tay dắt qua liền”.

Ba đứa trẻ ở nông thôn có hành vi, nghĩa cử tốt đẹp kể trên đều thuộc thì quá khứ - mấy mươi năm trước. Cả ba đều được đi học mặc dù con nhà nghèo. Ba em đều lễ phép, tử tế. Từ đó cho tôi suy nghĩ: Vậy phải chăng ở môi trường tốt (nông thôn) ngoài giáo dục ở nhà trường, chúng còn được ảnh hưởng chân giá trị đích thực chân chất, hồn hậu của người lớn?

Hơn thế nữa dù tầng lớp phụ huynh ở nông thôn thường ít được học hành nhưng họ có thời gian quan tâm giáo dục con em mình, và luôn dạy cho chúng sự trọng tình cần thiết, tối thiếu.

Những đức tính tốt của trẻ cũng cần được nâng niu, nuôi dưỡng như một chồi non

Truyền dạy cho con em mình làm những điều hay lẽ phải mà trẻ em thành thị ít có được bởi điều kiện, môi trường, trẻ em thành thị thường ít biểu lộ cảm xúc, ít hay giúp đỡ người khác so với trẻ ở nông thôn, đó là thưc tế.

Hiện nay, số trẻ em có những thói quen, hành vi tốt như giúp đỡ người khác hay thật thà không tham lam… dần dần ít đi nếu không muốn nói là rất hiếm. Trong khi đó, người lớn thì hời hợt thiếu quan tâm, đi đến mất kiểm soát.

Trước tình trạng này, thiết nghĩ các bậc phụ huynh nên để ý nhắc nhở, giáo dục những thói quen tốt cho trẻ. Kẻo không dần dần trẻ sẽ trở nên vô cảm với môi trường xung quanh. Chừng đó, có hối cũng không kịp.

PHẠM BỘI ANH THUYÊN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/can-giu-gin-va-phat-huy-thoi-quen-that-tha-biet-giup-do-nguoi-khac-cua-tre-13668.html