Cần giáo dục về ATVSLĐ từ cơ sở đào tạo nghề

Để thực hiện tốt ATVSLĐ cần có sự chuẩn bị từ rất sớm, nên bắt đầu từ môi trường gia đình và cộng đồng. Để giúp người trẻ nhận thức được các rủi ro và có khả năng tự bảo vệ mình cần có sự giáo dục ngay từ trường học, thông qua các chương trình đào tạo nghề và tập nghề.

Người lao động cần được huấn luyện về ATVSLĐ bài bản ngay từ khi mới học nghề. Ảnh minh họa

Đây là những vấn đề được đề cập đến tại buổi đối thoại về an toàn vệ sinh lao động do Hội đồng Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động tổ chức ngày 11/4. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4) và chuẩn bị cho Tháng hành động quốc gia về an toàn vệ sinh lao động vào tháng 5/2018.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng, thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách ATVSLĐ là hết sức cần thiết, nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, các cơ quan nhà nước. Đối thoại cũng là cơ hội để kịp thời góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật phù hợp với thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6.400 người chết do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, 680.000 người bị thương khi làm việc. Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác ANVSLĐ ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay, hơn 1 triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động mỗi năm; trong đó lao động ở độ tuổi 15-24 chiếm 15% tổng lực lượng lao động cả nước. Lao động trẻ có tỉ lệ tai nạn lao động cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn.

Để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ, thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã rà soát, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực huấn luyện ATVSLĐ.

Việc đảm bảo quy trình trong huấn luyện ATVSLĐ cũng luôn được Bộ quan tâm. Chỉ tính riêng năm năm 2017, Cục An toàn lao động cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện kiểm tra khoảng hơn 40 tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời phối hợp với Sở LĐTB&XH các địa phương tổ chức 6 đoàn kiểm tra tại 30 doanh nghiệp và hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định; tập trung kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động huấn luyện ATVSLĐ và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Qua kiểm tra đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Theo các chuyên gia lao động, để thực hiện tốt ATVSLĐ cần có sự chuẩn bị từ rất sớm, nên bắt đầu từ môi trường gia đình và cộng đồng. Để giúp người trẻ nhận thức được các rủi ro và có khả năng tự bảo vệ mình cần có sự giáo dục ngay từ trường học, thông qua các chương trình đào tạo nghề và tập nghề. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động, các doanh nghiệp chính thức và phi chính thức, các hộ kinh doanh gia đình cũng cần hướng dẫn cụ thể về những rủi ro và cách ứng phó với rủi ro mà lao động có thể gặp khi làm việc.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội cho rằng mục tiêu cải thiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực tập thể từ nhiều phía, cơ quản quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động, đặc biệt quan trọng là thanh niên và tổ chức của thanh niên.

Cũng theo ông Chang Hee Lee, để cải thiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động trẻ, cần tập trung vào 5 lĩnh vực trọng tâm: cải thiện thu nhập và phân tích số liệu, thông tin về ATVSLĐ và lao động trẻ; xây dựng, sửa đổi và thực thi luật, quy định, chính sách và hướng dẫn để bảo vệ an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ tốt hơn; nâng cao năng lực để hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức của họ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về ATVSLĐ cho lao động trẻ; lồng ghép ATVSLĐ vào các chương trình giáo dục phổ thông và dạy nghề, nhằm xây dựng một thế hệ người lao động an toàn, khỏe mạnh hơn; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và nghiên cứu về các mối nguy hiểm và rủi ro ATVSLĐ đối với lao động trẻ.

Tại Đối thoại, các đại biểu cũng đã thảo luận về những vấn đề liên quan đến các chính sách mới được ban hành, những tiến triển đã đạt được sau đối thoại của Hội đồng năm 2017. Các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đã nêu ý kiến, đề xuất tới Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, quy định của nhà nước trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là những sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngày thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc hàng năm 28/4 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thúc đẩy công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Đây là chiến dịch nâng cao nhận thức nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào các xu hướng mới về an toàn vệ sinh lao động cũng như mức độ nghiêm trọng của các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tình hình tử vong trên toàn thế giới.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/can-giao-duc-ve-atvsld-tu-co-so-dao-tao-nghe/333890.vgp