Cần giảm nợ công, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc và người có công

Ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị siết chặt nợ công trong giai đoạn tới. Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị siết chặt nợ công trong giai đoạn tới. Ảnh: Văn Bình

Qua thảo luận, nhiều đại biểu lo ngại với tình hình nợ công tăng cao, nhiều “siêu” dự án được đầu tư nhưng chậm tiến độ hoặc không hiểu quả, làm thất thoát vốn của Nhà nước. Đặc biệt, các đại biểu cũng lo ngại về những khó khăn và sự tụt hậu ngày càng xa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong bình diện chung của sự phát triển đất nước.

Siết chặt nợ công

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt, ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá một số mặt hàng chủ lực xuống thấp; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nhân dân… Nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là Chính phủ đã có những giải pháp, điều hành quyết liệt, tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại về tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ tiêu xuất khẩu không đạt, thu ngân sách gặp khó khăn, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, lãng phí là mối quan ngại của nhiều cử tri. Chính phủ phải siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, quản lý chặt chẽ nợ công. Năm 2017, dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,7%, theo đó đặt mục tiêu trần nợ công 64,8%, nợ Chính phủ 53,3% GDP, nợ nước ngoài quốc gia 47,4% GDP. Trong khi Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt kế hoạch năm 2017 và cả giai đoạn năm 2016-2020 nợ công tương ứng 65,50% GDP là không đúng với quan điểm xiết chặt nợ công, giữ nghiêm kỷ luật ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị: “Quốc hội không những siết chặt nợ công, còn giao cho Chính phủ phấn đấu trả nợ làm giảm áp lực nợ công. Theo đó, nợ công năm 2017 không được quá 65% GDP, đến năm 2020 không quá 63%; nợ Chính phủ 53% GDP, đến năm 2020 không quá 50% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP, đến năm 2020 không quá 47% GDP, như vậy cử tri cả nước mới yên lòng”.

Hiện nay, việc đầu tư cho phát triển, chủ yếu là vốn đi vay. Nhưng thực trạng cho thấy, việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, dẫn đến việc tồn tại 5 “siêu” dự án (Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Nguyên liệu sinh học Dung Quất) đầu tư không hiệu quả gây ra khoản lỗ lên đến hơn 7.300 tỷ đồng. Nếu không xử lý căn bản những “siêu” dự án này sẽ dẫn đến tình trạng nợ chồng lên nợ.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, để tình trạng trên xảy ra, do việc xử lý trách nhiệm của các doanh nghiệp và cơ quan có liên quan không cụ thể, giải pháp còn chung chung, thiếu cương quyết. “Việc để những “siêu” dự án “đắp chiếu”, đã cho thấy tình trạng đua nhau xin đầu tư, chạy dự án, khi thuyết trình dự án thì hay, nhưng toàn lý thuyết suông, vẽ những thứ trên trời, thiếu thực tế dẫn đến thất thoát vốn, đội vốn. Do đó, Chính phủ cần có biện pháp xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị chức năng được giao thẩm tra tính khả thi của dự án”. - Đại biểu Mai Sỹ Diến nhấn mạnh.

Đầu tư thích đáng cho vùng DTTS

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn và đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung, vùng DTTS vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) khái quát thực trạng: “Cả nước có hơn 3 triệu hộ đồng bào DTTS chiếm 14,4% dân số, trong đó tỷ lệ hộ nghèo rất lớn, có những dân tộc rất ít người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 85-90%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,2 triệu đồng/năm, 15% số hộ phải ở nhà tạm, 25% đồng bào chưa được tiếp xúc với nguồn nước hợp vệ sinh.... Về giáo dục, có gần 21% đồng bào từ 15 tuổi trở lên không thể đọc và hiểu một câu đơn giản bằng tiếng phổ thông. Đặc biệt, tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống rất lớn, chiếm tới 27%”.

Dó đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phải có biện pháp để thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự công bằng trong xã hội. Cũng theo đại biểu Cao Thị Xuân, hiện nay, những chính sách cho vùng đồng bào DTTS thực hiện thiếu hiệu quả, không đủ nguồn lực thực hiện dẫn đến tình trạng Nhà nước nợ chính sách với đồng bào. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ phải dành nguồn lực đầu tư đặc thù, giải quyết những bất cập trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho vùng DTTS. Vì chỉ khi nào vùng đồng bào DTTS có một nền tảng cơ sở hạ tầng tốt, văn hóa, dân trí được nâng cao thì đồng bào mới có điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng, cần đầu tư thích đáng cho vùng DTTS. Ảnh: Văn Bình

Bên cạnh việc phát triển vùng đồng bào DTTS, nhiều đại biểu đề nghị, cần ra soát lại các khu tái định cư thủy điện, bởi trên thực tế đã phát sinh những điểm “nóng” đói nghèo, không việc làm, không đất sản xuất. “Đất nước đang trong giai đoạn hội nhập sâu, chúng ta không nên để các vùng đồng bào DTTS, đặc biệt các khu tái định cư thủy điên “rớt lại” quá xa ở phía sau” - Đại biểu Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bố trí vốn thực hiện các chính sách cho người có công, gia đình chính sách. Theo đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): “Hiện nay, còn 336 nghìn hộ người có công với cách mạng có nhu cầu làm nhà, sửa chữa nhà ở. Người có công với cách mạng là những người cao tuổi, nghèo khó, ốm đau dài ngày, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước, không có kinh phí để làm nhà, sửa nhà ở. Do đó, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách, cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng để đảm bảo toàn diện trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho nhân dân”.

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, Chính phủ cần cấp ngân sách sửa chữa nhà ở người có công theo Quyết định 22 của Chính phủ. Bởi đây là chủ trương rất đúng, rất hợp lòng dân nhưng chúng ta xử lý chậm, làm cho lòng tin của nhân dân bị giảm sút.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-giam-no-cong-cham-lo-doi-song-dong-bao-dan-toc-va-nguoi-co-cong/