Cần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm đầu tư nguồn lực và tích cực triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc thu gom, xử lý triệt để rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn.

Việc xả nước, rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường diễn ra ở nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa).

Những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp tại các vùng nông thôn liên tiếp mọc lên vừa giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Việc xả nước, rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng rác thải tràn ngập các con đường, tràn xuống ruộng, ao, hồ và “bao vây” cả các khu dân cư là hình ảnh vẫn còn tồn tại tại một số vùng quê. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Người dân nông thôn chưa có ý thức BVMT, việc tham gia công tác vệ sinh môi trường (VSMT) cộng đồng... còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, BVMT, nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có sức khỏe người dân, nên tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để và trở thành vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương.

Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập các tổ, đội thu gom rác thải, các tổ, đội này có thể do các hội, đoàn thể đảm nhiệm hoặc do HTX nông nghiệp đứng ra thành lập. Một số xã, thị trấn đã chi tiền mua xe vận chuyển rác, quần áo bảo hộ, phương tiện, trang bị và chi trả tiền cho nhân công làm VSMT. Do đó, lượng rác thải hàng ngày được nhiều địa phương thu gom với tỷ lệ cao như: huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... (tỷ lệ thu gom đạt 100%). Tuy nhiên, việc xử lý khối lượng rác đã được thu gom còn nhiều bất cập do chưa xây dựng được lò đốt rác công nghệ hiện đại (chủ yếu là chôn lấp, chiếm gần 90%, 10% còn lại là đốt). Công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được các địa phương quan tâm, thực hiện. Hoạt động thu gom rác thải vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn; tại một số xã vùng sâu, vùng xa mới chỉ tiến hành thu, gom rác thải ở một số khu vực tập trung đông dân cư và tần suất thu, gom rác thải chỉ đạt khoảng 6 - 8 lần/tháng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho hoạt động thu, gom rác thải chủ yếu được lấy từ nguồn thu phí vệ sinh từ các hộ gia đình và nguồn kinh phí sự nghiệp BVMT... Thêm vào đó, công tác vận hành bãi chôn lấp rác thải tập trung chưa đúng quy trình gây tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh. Ở nhiều địa phương, kinh phí chi cho hoạt động xử lý rác thải, BVMT còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa có ý thức BVMT chung. Tại nhiều hộ gia đình vẫn giữ cách làm cũ tự thu gom và đem đốt, chôn lấp trong vườn nhà, đổ xuống sông hoặc các bãi đất trống gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan khu dân cư.

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém, ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh trong thu gom, xử lý rác thải nông thôn; cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, ngày 18-8-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; ngày 15-9-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 135/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết 05. Bên cạnh đó, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã đưa ra các giải pháp như, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong giữ gìn VSMT nông thôn. Mỗi làng xóm có thể chọn một ngày nhất định trong tuần hoặc trong tháng làm ngày tổng vệ sinh chung. Mỗi hộ gia đình nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, bỏ đúng nơi quy định. Phân và nước thải trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm biogas, ủ phân bằng các loại chế phẩm sinh học trước khi sử dụng, không thải trực tiếp phân và nước thải ra môi trường. Về lâu dài, các hộ cần đăng ký sản xuất trong các khu chăn nuôi tập trung, đưa các trang trại ra ngoài đồng theo quy hoạch; xây dựng và sử dụng loại nhà tiêu hai ngăn, hay nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh. Trong sản xuất nông nghiệp, cần tuyên truyền và hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ bao đúng nơi quy định để xử lý. Tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hóa học, không dùng phân tươi bón trực tiếp cho cây trồng. Về phía chính quyền địa phương cần quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề VSMT nông thôn như làm rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nơi xử lý và chứa rác thải thuận tiện cho người dân; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn; quy hoạch để dần đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động dịch vụ VSMT trong nông thôn.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/can-giai-quyet-triet-de-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-tai-khu-vuc-nong-thon/135364.htm