Cần giải quyết dứt điểm 'cuộc chiến' giữa Grab và taxi truyền thống

Thời gian qua, 'cuộc chiến' giữa Grab và các hãng taxi truyền thống diễn ra gay gắt, nhất là khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách bằng ô tô, trong đó quy định ô tô chở khách dưới 9 chỗ là taxi và các đơn vị hoạt động như Grab hiện nay là KDVT.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề này.

Phóng viên (PV): Hiện vẫn còn ý kiến cho rằng Grab chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm chứ không phải đơn vị KDVT. Quan điểm của VATA thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước hết, chúng tôi xin khẳng định đã cùng với các chuyên gia và Bộ GTVT nghiên cứu rất kỹ lưỡng và khách quan những vấn đề liên quan đến cuộc tranh luận giữa taxi truyền thống với Grab, đặc biệt là phân tích những lập luận của Công ty TNHH Grab trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 25-10 vừa qua. Chúng ta không phủ nhận những tiến bộ và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ như Uber, Grab. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận thật khách quan, hiểu đúng bản chất của vấn đề. Ai cũng biết, đơn vị cung cấp phần mềm thì chỉ nghiên cứu ra phần mềm để bán, hoặc chuyển giao, cho thuê. Đằng này Grab sử dụng phần mềm, trực tiếp tham gia và quyết định tất cả những khâu quan trọng nhất của KDVT: Tuyển dụng và sa thải tài xế, điều hành xe, quyết định giá cước, mức khuyến mãi, thu tiền, phân chia lợi nhuận... thì rõ ràng đó là hoạt động của đơn vị KDVT (xin lưu ý là đơn vị KDVT khác với đơn vị vận tải). Ở nước ngoài, khi Uber (tương tự Grab) hoạt động ở Châu Âu cũng đã gây kiện tụng, nhưng cuối năm 2017, Tòa án Công lý Châu Âu đã phán quyết hoạt động của Uber chính là KDVT. Ở nước ta, ngày 23-10 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng xác định Grab là doanh nghiệp KDVT taxi chứ không đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm.

 Ông Nguyễn Văn Quyền.

Ông Nguyễn Văn Quyền.

PV: Có ý kiến cho rằng ô tô chở khách của Grab không phải taxi mà là xe hợp đồng điện tử. Như vậy có đúng không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì hoạt động của Grab Car hiện nay chính là taxi, vì cách gọi xe qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm thì chỉ là hình thức của thủ tục, đều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải. Do đó, không thể coi taxi gọi xe bằng phần mềm là xe hợp đồng điện tử (với điều kiện kinh doanh rất đơn giản), còn taxi gọi qua tổng đài điện thoại lại là taxi (với 13 điều kiện kinh doanh, chịu chi phí rất cao). Nếu chúng ta coi Grab Car không phải taxi, thì chắc chắn sắp tới Việt Nam sẽ là nước duy nhất trên thế giới không còn taxi nữa, do các đơn vị taxi đều đã và đang ứng dụng phần mềm gọi xe như Grab, Uber... Thực tế người dân cả nước đều khẳng định xe ô tô Uber, Grab chở khách là taxi và ý kiến của Bộ Tư pháp, của Tổ công tác của Thủ tướng khi thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86, cùng tất cả các chuyên gia và toàn xã hội đều khẳng định đó là taxi công nghệ.

PV: Grab cho rằng, nếu Việt Nam coi Grab là đơn vị KDVT taxi thì đồng nghĩa với việc nước ta kìm hãm sự phát triển của công nghệ 4.0. Ông nghĩ sao về lập luận này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Chúng tôi cho rằng mọi người cần nhìn nhận đúng vấn đề này để tránh sự ngụy biện nhằm bảo vệ lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Ai cũng biết là trong kinh doanh, trong cùng một loại hình vận tải, đơn vị nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì đơn vị đó sẽ được khách hàng lựa chọn, sẽ tiết giảm được chi phí, sẽ có lợi nhuận cao hơn. Như vậy, không thể nói nếu coi Grab Car là taxi thì sẽ kìm hãm phát triển công nghệ 4.0. Việc Grab Car rất sợ bị xếp vào loại hình taxi, dù họ có lợi thế đi trước về áp dụng công nghệ kết nối giữa hành khách với đơn vị KDVT so với các hãng taxi truyền thống, đã cho thấy lý do này không thuyết phục. Thực chất là họ chỉ muốn lợi dụng “lỗ hổng” trong quản lý xe hợp đồng điện tử để “lách luật” nhằm “né” nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà nước và xã hội, cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp taxi.

PV: Nhưng nhiều người dân cũng ủng hộ Grab vì họ cho rằng Grab là kinh tế chia sẻ, giúp họ được đi taxi giá rẻ, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đúng là khá nhiều người đã lầm tưởng như vậy. Grab cũng đang lợi dụng danh nghĩa “kinh tế chia sẻ” để thuyết phục dư luận, nhưng thực tế thì hầu hết trong số khoảng 50.000 xe ô tô Grab ở Việt Nam là do các tài xế chuyên nghiệp tự mua xe để chở khách như taxi chứ không phải là tận dụng xe nhàn rỗi, xe đi chung, do đó không phải là kinh tế chia sẻ. Mặt khác, do nước ta đang coi Grab là những công ty “phần mềm gọi xe”, nên họ được hưởng mức thuế suất VAT 0%, trong khi taxi truyền thống phải chịu 10%. Đặc biệt, Grab đã “lách luật” để “né” được rất nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, người lao động và hành khách (không chịu trách nhiệm bảo hiểm cho hành khách, không bảo đảm các nghĩa vụ cho người lao động là hàng chục vạn lái xe và phương tiện...) nên họ có thể hạ mức cước, còn taxi truyền thống phải chịu đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm. Điều này giống như mua hàng lậu trốn thuế thì giá sẽ rẻ hơn. Nhưng chẳng lẽ chúng ta lại ủng hộ... hàng lậu? Đó là chưa kể, về lâu dài, nếu Grab đã chiếm vị thế độc quyền, thì có chuyện giá cước rẻ nữa không? Vừa qua, Grab đã thừa nhận bỏ ra hơn 1.700 tỷ đồng để bù lỗ trong 4 năm hoạt động nhằm chiếm lĩnh thị trường. Chắc chắn chẳng có một công ty nào muốn mở rộng hoạt động để chịu lỗ vốn như thế. Và như vậy đã có thể hình dung mục tiêu của Grab là gì?

Ưng dụng phần mềm gọi xe tương đương của một số hãng taxi truyền thống.

PV: Vậy, VATA làm gì để góp phần giải quyết “cuộc chiến” giữa Grab và các hãng taxi truyền thống?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiệp hội chúng tôi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải (cả Uber, Grab), các chuyên gia về GTVT và lãnh đạo các bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ đúng-sai một cách khách quan để giải quyết dứt điểm “cuộc chiến” giữa Grab và taxi truyền thống, không thiên vị bên nào. Đồng thời, hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến để có giải pháp quản lý loại hình vận tải ứng dụng phần mềm công nghệ cho phù hợp, vừa tạo sự thông thoáng, khuyến khích phát triển, vừa bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ bình đẳng theo quy định của pháp luật, vì trật tự văn minh của ngành vận tải; tránh việc lợi dụng lỗ hổng pháp lý để “lách luật”, dẫn đến nhiều hệ lụy và bất ổn xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam)

HUY QUANG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-giai-quyet-dut-diem-cuoc-chien-giua-grab-va-taxi-truyen-thong-555337