Cần giải pháp tổng thể cải thiện chất lượng nguồn nước

Tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng - điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn

Ngày 22/3 tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức mít tinh Kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2019 với chủ đề "Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Nhân sự kiện này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước xung quanh vấn đề quản lý nước hiện nay.

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước. (Ảnh: Thúy Hằng)

Phóng viên (PV): Theo đánh giá nguồn nước của chúng ta đang ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt. Ông có thể cho biết tình trạng và mức độ ô nhiễm nguồn nước hiện nay?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; có tới 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư, mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nước bị ô nhiễm.

Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm. Các khu công nghiệp (KCN) hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt, thì nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề, như: Nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu và các chất có hại khác.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chủ yếu do ô nhiễm nước thải sinh hoạt. Hiện nay, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình còn hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung được một phần nhỏ, còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi.

Tại các KCN, cụm KCN việc đầu tư và áp dụng công nghệ xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều KCN, cụm KCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc một số cơ sở sản xuất có xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, còn một lượng lớn nước thải công nghiệp từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, từ các hộ sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ gần như không được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước tiếp nhận.

Để giải quyết tình trạng này cần có giải pháp tổng thể cấp bách và lâu dài. Trước tiên phải thực hiện giải pháp song song là cải thiện chất lượng các nguồn nước cấp qua việc đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải, rác thải và cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hiệu quả các công trình cấp nước tập trung.

Để bảo đảm cho người dân được sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế thì việc bảo vệ các nguồn cấp nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất.

PV: Định hướng của Chính phủ hiện nay là hạn chế khai thác nước dưới đất do nguồn nước dưới đất đang ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và dần chuyển hướng sang khai thác nước mặt. Trong khi đó nhiều lưu vực sông trong cả nước cũng đang ô nhiễm. Theo đó, cần có giải pháp gì để bảo vệ nguồn nước – bảo vệ sự sống của chúng ta thưa ông?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Nước dưới đất là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, để hình thành một tầng chứa nước dưới đất cho chúng ta khai thác phải mất khoảng thời gian lên đến hàng trăm năm.

Trước tình hình chúng ta đang cần phải hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất và chuyển sang khai thác nguồn nước mặt. Việc khai thác nước mặt đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt một cách tổng thể, hiệu quả. Thực tế hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt đã được quy định khá đầy đủ trong các hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước và môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi vẫn có một số vướng mắc, bất cập. Trong đó, phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng dẫn đến việc quản lý ô nhiễm nguồn nước hiệu quả chưa cao.

Do vậy, Bộ TN&MT cần rà soát để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, giải quyết các bất cập và đáp ứng với tình hình mới. Đồng thời, cần phải triển khai các giải pháp tổng thể như: Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tập trung đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước, hệ thống giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; thực hiện việc điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên cả nước và trên các lưu vực sông; triển khai việc lập quy hoạch tài nguyên nước, trong đó đặc biệt là việc lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông; khẩn trương triển khai thực hiện các văn bản mới ban hành nhằm kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông…

PV: Hướng tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” (SDG6) đến năm 2030, chúng ta cần phải tiến hành thực hiện những việc gì, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Nhằm thực hiện mục tiêu “Đảm bảo việc tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người” (SDG 6), trong bối cảnh lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310-315 tỷ m3/năm), còn lại là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ; nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng nhanh đặt ra những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước.

Ngành tài nguyên nước Việt Nam cũng tích cực triển khai các biện pháp, hướng đến gia tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước; cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm và giảm thiểu việc giải phóng, xả thải các hóa chất và vật liệu nguy hiểm vào nguồn nước…Bên cạnh đó, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, bao gồm cả thông qua hợp tác xuyên biên giới; thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước bao gồm núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ.

PV: Với chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông có thể cho biết, Bộ TN&MT sẽ triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Ngày nước thế giới 2019 có chủ đề là "Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau" hướng đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 về Nước sạch và vệ sinh, theo đó đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Vì thế, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng - điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.

Hưởng ứng chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2019, tại Việt Nam, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan liên quan tổ chức các sự kiện như: Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2019, Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019, Triển lãm ảnh về bảo vệ tài nguyên môi trường và sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước và một số hoạt động tuyên truyền khác. Các hoạt động sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Almaz, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội trong 02 ngày 22 và 23/3/2019. Tại phiên toàn thể của Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam 2019, Bộ TN&MT chủ trì buổi tọa đàm cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế về chủ đề “Giải pháp nước thông minh để không ai bỏ lại phía sau”.

Tại Lễ Mit tinh hưởng ứng Ngày nước thế giới, Bộ TN&MT sẽ công bố và bàn giao sản phẩm tài nguyên nước gồm: 1. Bộ Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1: 200.000 quốc gia; 2. Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn I; 3. Kết quả Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; 4. Quản lý nước dưới đất ở các đới ven biển.

Bên cạnh đó, Bộ tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2019 quy mô cấp tỉnh tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phát sóng trailer tuyên truyền về Ngày Nước thế giới 2019 trên đài truyền hình trung ương và địa phương; tổ chức treo băng rôn, poster về Ngày Nước thế giới 2019, đồng thời liên tục cập nhật hình ảnh và thông tin về chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2019 của Bộ TN&MT trên các phương tiện truyền thông.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14/6/1992, Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới, và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993. Mỗi năm, Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến nguồn nước trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chính là do suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Bích Liên

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/can-giai-phap-tong-the-cai-thien-chat-luong-nguon-nuoc-516661.html