Cần giải pháp mạnh để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do tai nạn đuối nước

Hằng năm, nước ta ghi nhận số lượng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước ở mức cao, đặc biệt là những tháng mùa Hè, khi học sinh được nghỉ học, thời tiết nắng nóng. Trong khi chờ những giải pháp căn cơ, để giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em, thiết nghĩ, trước mắt cần sự quản lý chặt chẽ từ chính gia đình, sự hỗ trợ của các đoàn thể ở địa phương.

Trẻ em miền núi tỉnh Nghệ An vui đùa trong môi trường khe suối. Ảnh: Viết Lam

Trẻ em miền núi tỉnh Nghệ An vui đùa trong môi trường khe suối. Ảnh: Viết Lam

Trong những năm qua, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, nước ta đã từng bước hạn chế được tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước gây ra. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam vẫn có tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước ở mức cao. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Ở nước ta, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, chiếm 48,8% do tai nạn thương tích. Đặc biệt, hằng năm vào những tháng mùa Hè khi thời tiết nắng nóng, học sinh được nghỉ học, số vụ trẻ em tử vong do đuối nước lại tăng cao. Trong đó ở những vùng nông thôn, miền núi và biên giới biển là nơi có số lượng tử vong do đuối nước rất cao.

Thực tế cho thấy, từ đầu mùa Hè năm 2021, đã ghi nhận nhiều vụ đuối nước thương tâm ở các địa phương. Mới đây nhất, ngày 31-5, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, một nhóm 6 học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình trên đường từ trường về nhà đã rủ nhau ra khu vực chân đập thủy điện suối Tráng thuộc xóm Dài, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong để tắm. Tuy nhiên, do nước sâu, lại không biết bơi, 4/6 em đã bị đuối nước và tử vong để lại nỗi đau lớn cho gia đình và nhân dân tại địa phương. Trước đó, ngày 3-5, một em học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cũng bị sóng biển cuốn trôi khi đang vui chơi. Ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An đã cùng chính quyền địa phương tổ chức công tác tìm kiếm nhưng không có kết quả. Phải đến ngày hôm sau, thi thể của em mới được các lực lượng chức năng tìm thấy, bàn giao cho gia đình mai táng...

Có nhiều nguyên nhân khiến cho tỉ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước ở nước ta ở mức độ cao, trong đó, phải kể đến điều kiện tự nhiên với hệ thống kênh ngòi, hồ đập dày đặc, bờ biển dài. Trong khi đó, trẻ em lại thiếu kỹ năng an toàn khi vui chơi trong môi trường nước do tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi học sinh tiểu học, trung học cơ sở biết bơi ở nước ta còn rất thấp. Bên cạnh đó, một nguyên nhân rất quan trọng được các chuyên gia y tế chỉ ra, đó là thiếu sự giám sát của người lớn đối với trẻ em, nhất là những khu vực mà đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, hằng ngày, bố mẹ phải tập trung mưu sinh, không có thời gian giám sát con cái...

Cán bộ Quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn, BĐBP Nghệ An phổ biến kỹ năng cấp cứu nạn nhân đuối nước cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Hồng Mạnh

Từ những nguyên nhân trên, những năm gần đây, các cơ quan chức năng, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Cụ thể, ngành giáo dục đã đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh trung học cơ sở. Tuy nhiên, quy định này chưa thể thực hiện rộng rãi do điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều trường học còn thiếu thốn. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian nghỉ Hè, như tạo các sân chơi lành mạnh, thu hút các em học sinh tham gia, phối hợp với các đơn vị mở các lớp học bơi miễn phí. Ở nhiều địa phương cũng đã tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực, vùng nước có nguy cơ trẻ em bị đuối nước. Còn tại một số địa phương biên giới, cụ thể như tỉnh Nghệ An, các đồn Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh. Trong đó, tập trung tuyên truyền để các em học sinh hiểu rõ nguy cơ đuối nước, cách ứng xử, cấp cứu nạn nhân khi bị đuối nước...

Mặc dù chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước ở nước ta vẫn ở mức cao. Trong khi đó, những giải pháp căn cơ như dạy bơi cho học sinh, phổ biến kỹ năng sống an toàn cho trẻ... vẫn chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Sự cảnh báo của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng chưa thực sự hiệu quả, bởi trẻ em là đối tượng rất hiếu động, thích khám phá, nhất là trong dịp nghỉ Hè, khiến nguy cơ các em bị tai nạn càng tăng cao. Thiết nghĩ, sự quản lý, giám sát của gia đình là yếu tố hàng đầu để giúp trể em tránh được những tai nạn thương tâm, trong đó có tai nạn đuối nước.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-giai-phap-manh-de-giam-thieu-ty-le-tu-vong-do-tai-nan-duoi-nuoc-post440434.html