Cần giải pháp khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng ở Zimbabwe

Tình hình hỗn loạn leo thang tại Zimbabwe trong vài ngày qua sau khi quân đội nước này có những hành động can thiệp vào chính trường đang đẩy quốc gia miền Nam châu Phi chìm sâu vào khủng hoảng.

Những diễn biến phức tạp hiện nay chẳng những làm trầm trọng thêm cuộc sống khốn khó của người dân Zimbabwe vốn đã hết sức chật vật do suy thoái kinh tế, mà còn đe dọa dẫn tới xung đột bạo lực tại đất nước này và gây bất lợi đối với hòa bình, an ninh và ổn định cho cả khu vực miền Nam châu Phi.

Binh sĩ và xe quân sự Zimbabwe tuần tra tại Harare ngày 15/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh nhiều xe tăng và xe bọc thép di chuyển trên đường phố thủ đô Harare từ hôm 15/11 sau những tiếng nổ lớn, các binh sĩ chiếm trụ sở đài truyền hình quốc gia và một số cơ quan chính phủ, tòa nhà quốc hội, tòa án…; quân đội Zimbabwe quản thúc Tổng thống Robert Mugabe và vợ ông tại khu “Nhà Xanh”, đồng thời bắt giữ một số quan chức chính phủ và nhân vật thân cận với tổng thống, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về một cuộc đảo chính quân sự tại Zimbabwe. Trước đó, tình hình căng thẳng chính trị tại Zimbabwe leo thang sau khi Tổng thống Mugabe cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa do có âm mưu tiếm quyền và quân đội nước này đã cảnh báo sẽ can thiệp vào chính trường.

Ngay sau khi xảy ra sự kiện này, đảng ZANU-PF cầm quyền đã cáo buộc Tư lệnh các lực lượng quốc phòng Zimbabwe Constantino Chiwenga tiến hành đảo chính và làm phản lật đổ Tổng thống hợp hiến Mugabe. Mặc dù quân đội Zimbabwe tìm cách trấn an người dân, tuyên bố đây không phải là đảo chính, khẳng định quân đội chỉ trấn áp "những kẻ tội phạm xung quanh tổng thống", song tình trạng rối loạn tại Zimbabwe vẫn tiếp diễn.

Cho tới nay, lực lượng quân đội dường như đã cơ bản kiểm soát tình hình ở Zimbabwe, trong khi những động thái gần đây cho thấy về khả năng sẽ có một cuộc “chuyển giao quyền lực” tại quốc gia miền Nam châu Phi này. Về phần mình, Tổng thống Mugabe ngày 17/11 đã lần đầu tiên xuất hiện công khai kể từ khi quân đội nắm quyền kiểm soát hồi đầu tuần tại lễ tốt nghiệp ở trường đại học ở thủ đô Harare, khẳng định ông vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của nước này và sẽ không từ nhiệm.

Trên thực tế thì suốt 1 thập kỷ qua, tình hình Zimbabwe vẫn liên tục căng thẳng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và những bất ổn chính trị. Đợt “siêu lạm phát” ở nước này những năm 2007-2009, khi tỷ lệ lạm phát lên tới 230 triệu % với việc Ngân hàng Dự trữ quốc gia Zimbabwe ban hành đồng tiền mệnh giá lớn nhất thế giới - 100 tỷ đôla Zimbabwe song chỉ có giá trị khoảng 1,20 USD, đã đẩy nền kinh tế Zimbabwe vào khủng hoảng trầm trọng, thậm chí luôn bên bờ vực sụp đổ.

Sản xuất cầm chừng, thâm hụt thương mại nghiêm trọng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp và khó tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế do những món nợ khổng lồ là những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế nước này kiệt quệ. Trong khi đó, nông nghiệp, ngành kinh tế chủ đạo của quốc gia này, bị tàn phá nặng nề do đợt hạn hán trầm trọng kéo dài và tồi tệ nhất trong vòng gần 40 năm, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Chỉ trong 1 năm kể từ hạn hán hoành hành cuối năm 2015, hàng chục nghìn gia súc bị chết, hồ đập cạn nước và mùa màng thất bát. Gần 80% diện tích hoa màu bị bỏ hoang tại những vùng bị hạn hán nặng nề nhất. Từ một quốc gia từng được biết đến là “vựa lúa mỳ" của châu Phi, vài năm nay, Zimbabwe rơi vào tình trạng thiếu lương thực triền miên, buộc phải nhập ngũ cốc từ các nước láng giềng để đáp ứng nhu cầu và trông chờ vào viện trợ nhân đạo, song vẫn có tới 26% trong hơn 13 triệu dân Zibabwe đối mặt với nguy cơ bị đói.

Cùng với suy thoái kinh tế, hạn hán và đói kém đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi và thế giới này. Năm ngoái, Chính phủ Zimbabwe đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa do nạn đói, khi có tới gần 33.000 trẻ em nước này phải điều trị khẩn cấp vì bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và các nước phương Tây áp đặt đối với Zimbabwe trong hơn 10 năm qua càng hủy hoại nền kinh tế nước này, làm sụp đổ hệ thống dịch vụ y tế, tàn phá cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản khác. Thiếu nước sạch, thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng, không có việc làm, người dân còn phải đối mặt với dịch bệnh, chỉ riêng đợt dịch tả bùng phát ở Zimbabwe năm 2008 kéo dài sang năm 2010 đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng. Hơn 3 triệu người Zimbabwe đã rời bỏ nhà cửa, quê hương sang các quốc gia láng giềng, chủ yếu là Nam Phi, để tìm kiếm công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống…

Bên cạnh đó, sự quản lý yếu kém cùng với nhiều chính sách kinh tế chưa phù hợp, tệ nạn tham nhũng tràn lan, những bất đồng chính trị dẫn tới hàng loạt vụ bạo lực thời gian qua, nhất là sau các cuộc bầu cử … tất cả đang đẩy đất nước Zimbabwe vào tình cảnh khó khăn chồng chất và gây ra nhiều bất ổn xã hội. Trong tình cảnh như vậy, mâu thuẫn chính trị, xung đột và bạo lực sẽ chỉ đẩy nền kinh tế Zimbabwe lún sâu hơn vào suy thoái “không lối thoát", khiến cuộc sống của hàng triệu người dân trở nên tồi tệ hơn. Hơn bao giờ hết, người dân Zimbabwe đang rất cần một cuộc sống ổn định và bình yên.

Do vậy, cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU) và nhiều nước ngay lập tức đều kêu gọi các bên ở Zimbabwe bình tĩnh, tuân thủ các quy định của Hiến pháp và giải quyết bất đồng chính trị thông qua các biện pháp hòa bình, đối thoại và hợp hiến. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) tìm kiếm một giải pháp hòa bình, ổn định và dân chủ tại Zimbabwe.

Chủ tịch AU Alpha Conde khẳng định AU sẽ không chấp nhận cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia châu Phi này, nhấn mạnh AU đề nghị các bên ở quốc gia thành viên Zimbabwe tôn trọng hiến pháp và giải quyết những vấn đề nội bộ bằng giải pháp chính trị, thông qua thương lượng, phù hợp với các quy định chung của châu lục. Đặc biệt, Nam Phi, nước đương nhiệm Chủ tịch SADC, đồng thời cũng là láng giềng có ảnh hưởng sâu sắc đối với Zimbabwe, đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây ra bạo động và giải quyết các mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (Gia-cốp Du-ma) cũng đã cử hai đặc phái viên tới Zimbabwe để thực hiện các nỗ lực hòa giải, hòa hợp dân tộc tại đây…

Chưa thể biết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Zimbabwe có kéo dài hay không, song nó đang thực sự gây tác động tiêu cực, làm bất ổn tình hình đất nước này. Giải pháp duy nhất hiện nay là các bên liên quan phải kiềm chế, vượt qua các bất đồng chính trị, tránh các hành động có thể làm cho tình hình Zimbabwe phức tạp thêm. Chỉ có đối thoại trên cơ sở tôn trọng pháp luật và đặt lợi ích chung của nhân dân Zimbabwe lên trên hết, các bên mới có thể tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Mạnh Hùng (Pv TTXVN tại khu vực miền Nam châu Phi)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/can-giai-phap-khan-cap-cho-cuoc-khung-hoang-o-zimbabwe-20171118143331492.htm