Cần giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến hành lang an toàn đường bộ, đường sắt liên tiếp xảy ra với nhiều mức độ khác nhau. Vấn nạn này đã được cảnh báo từ lâu nhưng đến thời điểm này, TNGT vẫn liên tiếp xảy ra. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) nói chung cũng như đảm bảo an toàn hành lang đường bộ, đường sắt nói riêng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng.

Vi phạm tràn lan

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều năm nay, tại ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, dù đèn đỏ ở hai chiều đường bật sáng để nhường cho dòng phương tiện lưu thông theo hướng ngược lại nhưng nhiều người vẫn cố tình len vào bên trong đường sắt để đi. Việc phương tiện cắt ngang dòng đã khiến cho cả tuyến đường bị ảnh hưởng, dồn ứ lại, tràn trên mặt đường ray. Không những vậy, tàu hỏa có thể đến bất cứ lúc nào nên khi hỗn loạn về giao thông, hậu quả khôn lường có thể xảy ra.

Tiềm ẩn nỗi lo tai nạn đường sắt. ảnh: T.Dũng

Tiềm ẩn nỗi lo tai nạn đường sắt. ảnh: T.Dũng

Gần đó, tại ngã ba Phương Mai - Giải Phóng, mặc dù có chốt gác của ngành đường sắt nhưng những vi phạm về hành lang ATGT đường sắt vẫn thường xuyên xảy ra. Theo quan sát, mỗi khi có tàu chạy qua khu vực này, mặc dù có tín hiệu cảnh báo, kéo gác chắn nhưng nhiều người điều khiển xe đạp, xe máy vẫn cố tình muốn vượt rào chắn. Phải có thái độ thật cương quyết của những nhân viên gác chắn thì người tham gia giao thông mới không cố vượt rào chắn.

Ngay gần đó, tại cổng bệnh viện Bạch Mai tình trạng buôn bán hàng rong cũng diễn ra, người mua, kẻ bán ngay sát đường ray khiến tình hình an ninh trật tự, ATGT lúc nào cũng trong tình trạng báo động… Cũng theo quan sát của phóng viên tại khu vực đầu đường Khâm Thiên, đây cũng là nơi phức tạp về ATGT bởi xung quanh khu vực đường ray là những quầy bán mũ bảo hiểm, giầy dép cũ… Mặc dù có rào chắn mỗi khi tàu hỏa chạy qua nhưng nhiều phương tiện vẫn cố chen lấn để vượt qua, tiềm ẩn TNGT.

Qua tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 6 tuyến đường sắt gồm 5 tuyến hướng tâm và 1 tuyến vành đai phía Tây với tổng chiều dài hơn 152 km đi qua 17 quận, huyện, 37 phường, 9 thị trấn, 40 xã. Cụ thể, gồm các tuyến: Hà Nội - Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Hồng - Văn Điển. Có tổng số 580 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó 184 đường ngang hợp pháp, gồm 81 đường ngang có người gác, 70 đường ngang cảnh báo tự động (có hoặc không có cần chắn tự động), 33 đường ngang biển báo. Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt – Công an TP Hà Nội: Vi phạm diễn biến phức tạp nhất là ở những đường ngang trọng điểm trên các tuyến đường sắt chạy song song với các đường quốc lộ thường xảy ra ùn ứ giao thông khi tàu chạy qua.

Lập lại hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt

Trước thực trạng vi phạm về an toàn giao thông, đường bộ, đường sắt thời gian qua, ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã ký Công văn số 8637/BGTVT-ATGT yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khi xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật đối với lĩnh vực này. Tăng cường nghiên cứu, đề xuất ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý hệ thống giao thông đường bộ, bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc giao thông.

Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương triển khai kế hoạch tháng cao điểm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đặc biệt là các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; tăng cường quản lý phạm vi đất dành cho đường bộ ngay từ khi các dự án đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường bộ hoàn thành đưa vào khai thác; phối hợp với chính quyền cấp cơ sở và các đơn vị chức năng của địa phương xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm về lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang toàn giao thông đường bộ.

Đồng thời đẩy mạnh việc cập nhật, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, ưu tiên các biển báo dễ gây ra nhầm lẫn trong khai thác thực tiễn; tiếp tục đôn đốc các đơn vị quản lý đường quốc lộ trong việc triển khai xây dựng gờ giảm tốc tại các vị trí giao giữa đường quốc lộ và đường sắt; tăng cường rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống đường quốc lộ.

Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Đường bộ và các đơn vị chức năng của địa phương trong việc xây dựng gờ giảm tốc, tổ chức cảnh giới tại các điểm giao cắt đường bộ, đường dân sinh với đường sắt; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt khi xây dụng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt (sửa đổi), bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật đối với lĩnh vực này. Tăng cường nghiên cứu đề xuất các ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý hệ thống giao thông đường sắt

Võ Hoàng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-giai-phap-dong-bo-de-dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-sat-57763.html