Cần giải pháp điều hành chính sách tiền tệ 'thị trường' hơn

Chính sách tiền tệ trong quý I/2019 đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành ổn định, linh hoạt, nhưng khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực (ảnh), Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, NHNN vẫn phải lưu ý để có chính sách điều hành mang tính thị trường hơn.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Ông nhận định như thế nào về việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong quý I/2019?

Theo tôi, nói chung, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN tiếp tục tương đối linh hoạt giúp thị trường tỷ giá, tín dụng đều hoạt động ổn định. Ngoài ra, chính sách tiền tệ tiếp tục phối hợp tốt với chính sách tài khóa, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức tương đối thấp, theo đúng yêu cầu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực triển khai các yêu cầu của Chính phủ theo Nghị quyết 01, 02 đặt ra từ đầu năm. NHNN cũng có một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như một số giải pháp thúc đẩy tín dụng chính thức, giảm tín dụng đen… NHNN cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng hành lang pháp lý cho ngân hàng số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được nêu trên, thời gian tới, NHNN vẫn cần phải lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, cần đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém. Nhưng rõ ràng, để làm được điều này, không phải một mình NHNN làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều bên. Thứ hai, cần phải có đầu mối để phối hợp, tháo gỡ những vướng mắc về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, qua đó thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, đảm bảo theo yêu cầu của Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" của Thủ tướng Chính phủ.

NHNN cho biết sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng với các tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, theo ông, điều này có tác động như thế nào tới tăng trưởng tín dụng?

Đây cũng là một trong những công cụ điều hành của NHNN nhằm thúc đẩy các tổ chức tín dụng phấn đấu đạt chuẩn Basel II sớm hơn. Tuy nhiên, dù ủng hộ cách điều hành này, nhưng theo tôi, đây chỉ nên là giải pháp hỗ trợ trong thời hạn nhất định. Điều quan trọng là NHNN phải có cơ chế, chính sách điều hành mang tính chất thị trường nhiều hơn. NHNN có thể cân nhắc tới việc không áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nữa, mà chuyển sang áp dụng chặt chẽ hơn các yêu cầu về hệ số an toàn vốn (CAR). Với cách làm này, các tổ chức tín dụng sẽ tự nhiên điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng để đảm bảo an toàn cho ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống nói chung.

Vào cuối tháng 3 này, NHNN sẽ bắt đầu lộ trình siết cho vay ngoại tệ, điều này sẽ có tác động như nào tới các doanh nghiệp cũng như thị trường, thưa ông?

Thời gian qua, NHNN đã và đang rất tích cực triển khai các lộ trình chống đô-la hóa, giảm bớt tình trạng găm giữ ngoại tệ. Vì thế, lộ trình đến 31/3 sẽ dừng nhu cầu tín dụng ngoại tệ ngắn hạn và đến 30/9 sẽ dừng nhu cầu tín dụng ngoại tệ dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước. Có thể thấy, các quy đinh này đã được thông báo sớm về thời gian thực hiện, giúp doanh nghiệp kịp thời xoay xở, có sự chuẩn bị nhất định. Nên quý I vừa qua, các DN đã tận dụng thời điểm trước 31/3 để giao dịch ngoại tệ, khiến tăng trưởng ngoại tệ trong quý I đã tương đối nhanh, tầm 5-6%. Nhưng hệ thống ngân hàng đã huy động được nguồn vốn ngoại tệ tương đối tốt, tăng 5%, nên không gặp tình trạng vướng mắc về thanh khoản ngoại tệ, tỷ giá ổn định, tạo điều kiện cho NHNN tăng khả năng mua dự trữ ngoại hối.

Tuy vậy, việc siết tín dụng ngoại tệ như trên vẫn chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vì thế, về lâu dài, việc này đòi hỏi cần có thị trường mua bán ngoại tệ dễ dàng hơn, thanh khoản tốt hơn, để mỗi khi cần ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ thực hiện quan hệ mua bán hơn là quan hệ vay mượn ngoại tệ.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/can-giai-phap-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-thi-truong-hon-102196-102196.html