Cần giải pháp căn cơ hạn chế ngập lụt do triều cường

Từ đầu tháng 10-2020 đến nay, TP Cần Thơ chịu ảnh hưởng của 2 đợt triều cường lên cao. Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến mực nước triều cường đầu tháng 10 âm lịch năm nay có nhiều thay đổi. Mực nước lên cao bất thường, gây ngật lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, giao thông, sản xuất, mua bán của người dân. Làm gì để hạn chế tác động của triều cường là vấn đề mà người dân quan tâm và cần sự nỗ lực thực hiện của ngành chức năng…

Việc buôn bán của người dân bị ảnh hưởng do triều cường dâng cao.

Việc buôn bán của người dân bị ảnh hưởng do triều cường dâng cao.

Lo khi triều cường dâng

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, triều cường đầu tháng 10 âm lịch (bắt đầu lên cao từ ngày 13-11-2020 với mực nước cao hơn báo động 3 (2m) là 0,03m. Ðến ngày 16-11, đỉnh triều cường lên đến 2,12m, cao hơn báo động III là 0,12m. Ðây là mức triều cao trong năm, bởi so với nhiều năm gần đây mực nước triều cường đầu tháng 10 âm lịch lên cao chưa tới mức báo động II (1,9m). Những ngày qua, các tuyến đường giao thông trong nội ô các quận trung tâm TP Cần Thơ bị ngập sâu trong nước, làm ảnh hưởng sinh hoạt, giao thông, buôn bán của người dân. Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Mực nước của đợt triều cường này đến thời điểm hiện tại đã cao hơn các năm trước đây. Bởi, trong vòng 8 năm trở lại đây, chỉ có năm 2013 mực nước đỉnh triều cao nhất 2,02m. Nhưng ngày 16-11-2020 đã lên tới 2,12m, vượt mức năm 2013 là 0,1m. Nước lên rất nhanh gây ngập lụt đường phố, ảnh hưởng sinh hoạt, giao thông, đe dọa đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái… trên địa bàn thành phố”.

Chị Cẩm Hường, ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, cho biết: “Mỗi năm triều cường mỗi khác và lên cao hơn. Năm nay, triều cường lên cao, ngập sâu nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều. Những ngày này, việc buôn bán của bà con ở các tuyến đường bị ngập nước đều bị ế ẩm. Gia đình tôi bán điểm tâm sáng đành nghỉ bán trong những ngày triều cường lên cao”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, đợt triều cường đầu tháng 9 và đầu tháng 10 âm lịch này đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn thành phố bị ngập sâu. Ðặc biệt, Ninh Kiều đã có trên 120 tuyến đường giao thông bị ngập nước (chưa kể các tuyến đường ở khu dân cư). Trong đó có 61 tuyến đường chính bị ngập sâu từ 0,4m đến 0,5m, như các tuyến đường thuộc phường Tân An, An Lạc và đường Mậu Thân (phường An Hòa), đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh), đường Huỳnh Cương, Trần Hưng Ðạo, Lý Tự Trọng, Trần Văn Hoài và các tuyến đường thuộc cồn Khương, Trung tâm thương mại Cái Khế… Các tuyến đường còn lại ngập sâu từ 0,2-0,4m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, kinh doanh của người dân. Các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn… hàng chục tuyến đường nội ô bị ngập sâu trong nước… Một trong những nguyên nhân bị ngập lụt đô thị khi triều cường, nước thượng nguồn đổ về là cơ sở hạ tầng ở TP Cần Thơ vẫn còn nhiều bất cập như đê bao, đường sá, cầu giao thông... chưa đảm bảo an toàn khi bị thiên tai tác động; một số tuyến đường có cốt nền thấp; hệ thống cấp thoát nước nhỏ, xuống cấp; nhiều tuyến kênh, rạch bị lấp, lấn chiếm nên rất dễ xảy ra tình trạng ngập lụt, ứ đọng kéo dài...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ÐBSCL, nhận định: “Tình trạng ngập ở các đô thị thuộc vùng giữa của ÐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ hiện đã mang tính quy luật. Nếu như con nước cuối tháng 8 và đầu tháng 9 âm lịch hằng năm thường được cho là đợt triều cao nhất trong năm do thủy triều từ biển Ðông vào gặp nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về gây ngập thì cũng có nhiều nguyên nhân khác khiến tình trạng ngập nặng hơn như: sụt lún đất ở khu vực ÐBSCL, nước biển dâng và đê bao khép bảo vệ các vùng sản xuất, khiến nước không tràn được vào trong các kênh rạch… gây ngập nghẹt đô thị”.

Đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều ngập sâu trong nước trong đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch.

Cần giải pháp căn cơ

Trước khi các đợt triều cường xuất hiện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu ngành chức năng, các quận, huyện tập trung ứng phó, huy động lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông tại các tuyến đường ngập sâu, các điểm giao lộ, đồng thời bố trí lực lượng hỗ trợ phương tiện giao thông chết máy do nước ngập sâu; tổ chức rào chắn, căng dây, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ngập sâu, đường giao thông và vỉa hè cặp ao, hồ, sông, rạch để tránh nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; vận động, hỗ trợ người dân tăng cường bảo vệ vườn cây ăn trái, diện tích lúa đông xuân 2020-2021 vừa được gieo sạ…

Những năm qua, TP Cần Thơ triển khai thực hiện Dự án nâng cấp đô thị giai đoạn 3, với việc phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị. Tổng giá trị dự án lên đến 7.844 tỉ đồng, triển khai trong giai đoạn từ năm 2016-2022 nhằm giải quyết căn bản tình trạng ngập đô thị trong vùng lõi của thành phố. Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập trong vùng lõi đô thị Ninh Kiều, Bình Thủy với diện tích 2.600ha, kết nối hạ tầng giao thông, hỗ trợ kỹ thuật cho vấn đề kiểm soát ngập và quản lý tổng hợp đô thị.

Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết: Tại hợp phần 1 của dự án trên đầu tư xây dựng hơn 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ, trên 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp với các hạng mục công trình khác của dự án như các Âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), các cống ngăn triều (Ðầu Sấu, rạch Sao, rạch Ranh, rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng), các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập úng tại khu vực đô thị trung tâm TP Cần Thơ... Quận Ninh Kiều rất mong dự án sớm xây dựng hoàn thành để hạn chế được tình trạng ngập lụt trên địa bàn mỗi khi triều cường lên cao.

Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Tập trung thực hiện công tác ứng phó triều cường, ngập lụt. Trong đó tập trung kiểm tra toàn bộ các tuyến đường, hẻm, cầu giao thông… để phát hiện hư hỏng, bong tróc và kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người dân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Đặc biệt, các địa phương mạnh dạn mở đê bao để thủy triều vào các kênh, rạch, ruộng lúa (đã thu hoạch) góp phần hạn chế ngập nghẹt đô thị…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-giai-phap-can-co-han-che-ngap-lut-do-trieu-cuong-a127552.html