Cần giải cứu hàng ngàn hộ nuôi heo trước nguy cơ phá sản

Thời điểm hiện tại, heo hơi cân tại chuồng chỉ từ 28.000-30.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng, nhưng khi đến tay người tiêu dùng, giá thịt đã bị đẩy lên mức 90.000-100.000 đồng/kg. Trước tình cảnh giá heo hơi rớt thê thảm dẫn đến tình trạng hàng ngàn hộ nuôi đứng trước nguy cơ phá sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ 2 nhóm giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi heo.

Một trại nuôi heo tại thủ phủ heo huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: P.V

Giá heo lao dốc - người nuôi treo chuồng

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết nhiều chủ trại heo tại đây lỗ từ 1,2 - 1,5 tỉ đồng/ tháng. “Tổng đàn heo đang tồn đọng từ 10 tháng trước đến nay còn quá lớn, đến hàng triệu con. Với đà này, người chăn nuôi vẫn phải chịu giá thấp khoảng 4 - 5 tháng nữa. Đối với những con heo lớn trên 1 tạ không thể xuất đi Trung Quốc, giá chỉ 21-22 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, người chăn nuôi lỗ từ 700 nghìn - 1,5 triệu đồng/con. Với những trang trại nuôi từ 1.000 - 1.500 con, mỗi tháng sẽ lỗ từ 1,2 - 1,5 tỉ đồng. Hàng loạt trang trại chăn nuôi heo tại Đồng Nai đang bị “đánh sập”, trang trại càng lớn càng chết nặng”! Ông Nguyễn Kim Đoán chua chát nói. Điều khiến vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai lo lắng là, có những trang trại nuôi tới 27.000 con heo, nếu đến cuối năm nay không đàm phán để có thể xuất khẩu heo sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, thì thảm cảnh của người chăn nuôi là vô cùng lớn.

Năm 2004, gia đình ông Trần Bình Mạnh, ngụ ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung, H.Thống Nhất đã phải bán trại heo 2.000 m2 vì thua lỗ do giá heo giảm mạnh. Hơn 10 năm qua, gia đình ông gom góp đầu tư mua 3.000m2 đất với mục tiêu xây trại mới để bắt đầu làm lại với con heo. Đầu năm 2016, giá heo lên cao, gia đình ông quyết định cắm sổ đỏ ngôi nhà đang sinh sống để vay ngân hàng 1 tỉ đồng xây dựng trại nuôi heo.

Tháng 2.2017, lứa heo đầu tay của gia đình tại trại mới đến tuổi xuất bán. Nhưng cũng đúng lúc này, giá heo tuột dốc không phanh khiến ông Mạnh khốn đốn, ông không thể bán lỗ heo do khoản vay nợ của ngân hàng là quá lớn. Để duy trì đàn, ông phải cắm tiếp sổ đỏ của trại nuôi để mua thức ăn cho đàn heo. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng nguồn vốn cuối cùng cũng cạn kiệt buộc ông Mạnh phải “cắn răng” bán lỗ đàn heo. Hơn một tuần trước, gia đình ông Mạnh mới xuất bán lứa heo “xông chuồng” 800 con và thu về khoản lỗ 900 triệu đồng. Khoản lỗ quá lớn khiến ông Mạnh không đủ vốn để tái đầu tư lứa heo mới, cả 2 sổ đỏ đã cầm ngân hàng, chuồng trại 3.000m2 mới đầu tư hơn 1 tỉ đồng phải bỏ không. “Chắc gia đình tôi phải bán trại để trả nợ” - ông Mạnh nói. Theo người dân H.Thống Nhất, heo thua lỗ, nhiều chủ trại nuôi heo phải treo biển bán đất để thoát nợ.

Người nông dân nuôi lợn lao đao vì giá lao dốc. Ảnh: T.K

Tình cảnh này cũng diễn ra ở Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt người nuôi heo treo chuồng vì vì giá thấp trong khi con lợn phải cõng đủ loại phí. Mặc dù chi phí thú y vừa được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm vào cuối năm 2016 vừa qua, nhưng tính chung mọi chi phí cho một con lợn đang quá lớn. Phí giám sát cách ly đối với động vật giống (gồm cả thủy sản): 800.000 đồng lô hàng (hoặc 1xe ôtô); lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật: 70 nghìn đồng/lần; phí thẩm định vùng an toàn dịch bệnh động vật: 3.500.000 đồng/lần; phí kiểm tra lâm sàng đối với lợn: 60.000 đồng/xe ôtô…

Theo ông Nguyễn Văn Đại - một hộ chăn nuôi tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), có những loại phí cần thiết, nhưng bị thu chồng chéo đến 3 - 4 lần, ví như phí kiểm dịch bị thu tới 4 lần trong cả 4 khâu chăn nuôi từ khâu nhập giống, bán giống, xuất chuồng đến khâu ra lò giết mổ. Giải thích về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y - Bộ NNPTNT) cho biết: Nếu các đơn vị chăn nuôi theo chuỗi thì chỉ bị thu phí 2 lần ở đầu vào và đầu ra. Nhưng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thì mức phí phải thu nhiều lần như vậy tại các khâu kiểm soát. Ngoài một số khoản phí liên quan nói trên, người nuôi phải trả thêm tiền chi phí vaccine, thuốc thú y và cùng nhiều chi phí khác. “Người nuôi phải trả tiền kim tiêm, tiền công tiêm… bởi công tác thú y huy động “xã hội hóa”” - bà Bình giải thích.

Làm gì để cứu nông dân và công bằng với người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, bộ đã đề nghị tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết để giảm giá thành, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi. Bộ NNPTNT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh TACN và thuốc thú y đồng thời yêu cầu các đơn vị có năng lực lưu trữ, chế biến và tiêu thụ lớn tăng cường thu mua, giết mổ, cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong thời gian tới. Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cũng cho rằng, để cân đối cung - cầu, thì các DN phải khép kín cả khâu sản xuất và chế biến, phân phối. Lượng thịt dư thừa hiện nay có thể chế biến thành thịt hộp, xúc xích, giămbông… để tiêu thụ vào cuối năm khi nguồn hàng khan hiếm…

Thêm vào đó, theo ông Nguyễn Kim Đoán, dù có lộ trình cắt giảm thuế với ngành chăn nuôi, song do chưa có hàng rào kỹ thuật nên chỉ riêng trong tháng 3, cả nước đã nhập về số lượng khủng lên tới... 8.700 tấn thịt. Chưa đầy tuần trước, lại có thêm 2.300 tấn thịt nữa cũng ùn ùn được nhập về. Về phía Bộ NNPTNT, những giải pháp lại quá chung chung, chỉ mang tính chất hô hào, không giúp ích được gì cho 10 triệu nông dân đang bế tắc. Phản biện lại ý kiến của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đề nghị nông dân sản xuất theo chuỗi, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, vấn đề sản xuất theo chuỗi chỉ áp dụng được với DN. Còn nông dân, điều này là khó. Bắt nông dân làm điều không thể, khác gì bảo họ bỏ chuồng không chăn nuôi. Mà nông dân là phải cấy trồng, phải chăn nuôi, không làm các việc này, nông dân sẽ làm gì?

Vậy nên, hiện nay, Hiệp hội Chăn nuôi đang kêu gọi nông dân “tự cứu mình”, mạnh tay loại 50% tổng con nái, thay cho việc loại 10% như Cục Chăn nuôi khuyến cáo. Có mạnh tay như vậy, mới hy vọng cán cân cung cầu bớt chênh lệch trong 4-5 tháng tới. Đồng thời, hiệp hội cũng kêu gọi các đơn vị có năng lực lưu trữ, chế biến và tiêu thụ lớn tăng cường thu mua, giết mổ, cấp đông.

Nghịch lý: Trung gian ăn quá dầy

Từ khâu chăn nuôi, xuất chuồng đã có cả chục loại phí như vậy, đến khâu phân phối, miếng thịt lợn lại “cõng” thêm hàng chục khoản phí khác. “Các nhà bán lẻ đang ăn quá “dầy” trong khâu phân phối, giá thịt bị đội lên cao thì nguyên nhân có tới 90% là do khâu bán lẻ” - Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội bức xúc nói. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Vinh Phú khẳng định: “Trong quá trình phân phối, lưu thông, khâu bán lẻ hiện nay ăn chiết khấu nhiều quá, “ăn” tới 20 - 30%. Nào là phí bôi trơn, phí tạo mã… đã đẩy giá thịt lợn lên 100 -120 nghìn đồng. Chỉ có giảm bớt các khoản phí “bôi trơn”, các chi phí chồng chéo vô lý khác, thì giá thành mới có thể giảm xuống”. K.K

K. Vũ - A. Chiến

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/can-giai-cuu-hang-ngan-ho-nuoi-heo-truoc-nguy-co-pha-san-657470.bld