Cần duy trì phạt hành chính đối với hành vi sử dụng ma túy trái phép

Trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn nạn ma túy khi thảo luận về Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020. Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi và ngày 2-11 tới, Quốc hội sẽ họp tập trung, thảo luận về Dự luật này.

Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 cho biết, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn ma túy.

Năm 2020, đã phát hiện 30.332 vụ phạm tội về ma túy (nhiều hơn 30,02%), thu giữ hàng tấn ma túy các loại, tiếp tục triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.

Tuy nhiên, tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trong điều kiện cách ly, giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19; áp lực ma túy từ bên ngoài vào nước ta còn rất lớn; toàn quốc hiện có 235.012 người nghiện có hồ sơ quản lý, tiềm ẩn phát sinh nhiều phức tạp về tội phạm và vi phạm pháp luật...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thảo luận về Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn tuy được triệt phá nhưng số lọt lưới không phải là ít. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy có hướng trẻ hóa, không những ở thành thị mà đã len lỏi vào tận vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Thủ đoạn của bọn này là tìm kẽ hở của pháp luật để lách luật, nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, cho nên đại biểu đề nghị cần có những biện pháp tích cực để xử lý nghiêm, nhằm phòng ngừa, răn đe.

Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề cập đến vấn đề đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cai nghiện bắt buộc tại tòa án, nhiều địa phương, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định chính xác người bị đề nghị lại chủ yếu dựa vào thông tin các tài liệu trong hồ sơ do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Hơn nữa, đối với trường hợp người bị đề nghị vắng mặt không lý do chính đáng tại phiên họp thì việc xác định người bị đề nghị của tòa lại càng khó khăn hơn, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy nêu rõ, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

Qua thẩm tra Dự luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống ma túy thì phòng ngừa và dự phòng vẫn là chính và đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy, cần duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, có biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng trong thời gian nhất định, kết hợp các biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình với người sau cai khi trở về cộng đồng.

Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người được yêu cầu xét nghiệm không chấp hành việc xét nghiệm trong thời gian được quản lý tại cộng đồng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho hay: “Chúng ta đang phải suy nghĩ về Nghị quyết 09 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng nghiện. Chỗ này hiệu lực kém và phát sinh nhiều vấn đề mà Bộ LĐ-TB&XH đã đặt vấn đề, kể cả các địa phương quản lý cũng rất khó khăn.

Bây giờ, Bộ Y tế coi đó là người bệnh chứ không phải là người có nguy cơ trở thành tội phạm nguy hiểm. Chính vì vậy, cách xử sự về mặt hành chính không hiệu quả, chỗ này dẫn đến kiểm soát người nghiện khi lên cơn rồi thì thực hiện hành vi phạm tội rất nguy hiểm và rất nhanh. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề có thêm chế tài nghiêm khắc hơn đối với người nghiện”.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-duy-tri-phat-hanh-chinh-doi-voi-hanh-vi-su-dung-ma-tuy-trai-phep-215586.html