Cần dựa vào dân để xây dựng Đảng

Tại các Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng trong văn kiện cần nhấn mạnh hơn nữa đến công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, đặc biệt, cần dựa vào dân để xây dựng Đảng, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, qua tổng hợp tình hình nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính khái quát cao, bố cục hợp lý, khoa học, chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Dự thảo Văn kiện khẳng định: Dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng; “thể chế" được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện. Như vậy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng. Ảnh: B.D

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng. Ảnh: B.D

Qua tổng hợp các ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn qua 35 năm đổi mới, các dự thảo báo cáo đã thể hiện nhiều điểm mới, nhiều nhận định sâu sắc, phản ánh tư duy, tầm nhìn mới.

Báo cáo đã chỉ ra những thành tựu quan trọng và những dấu ấn nổi bật; bên cạnh đó cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Về dung lượng, báo cáo đã phản ánh tương đồng những thành tựu, kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém, không xem nhẹ bất kỳ mặt nào, đồng thời đã chỉ ra nguyên nhân của yếu kém và bài học kinh nghiệm.

Góp ý kiến về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đa số ý kiến đề nghị cần đánh giá thẳng thắn hơn về công tác cán bộ, nhất là công tác quản lý, đánh giá, giám sát cán bộ, đảng viên có chức vụ. Nhấn mạnh hơn nữa đến công tác quản lý cán bộ, đảng viên chỉ rõ những sơ hở, bất cập, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý cán bộ. Đây là một trong những điểm hạn chế lớn nhất, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, biến chất, vi phạm pháp luật của cán bộ lãnh đạo.

Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng cần khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng trong dự thảo. Sớm thể chế, cụ thể hóa pháp luật về vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân và thực hiện tốt các biện pháp để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế pháp luật về quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Nhất trí với đánh giá trong dự thảo chính trị, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, trong 5 năm qua, đất nước đã đạt được rất nhiều thành tích hầu như trên tất cả các lĩnh vực cùng sự phát triển nhanh và khá toàn diện tạo ra một dấu ấn khôi phục.

Đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm đạt được nhiều đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng đã khôi phục niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Ông Nguyễn Túc cho rằng, dự thảo lần này có một số điểm mới, không chỉ xây dựng chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

“Giai đoạn tới phải làm sao xây dựng tốt hơn mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với dân, giữa Mặt trận với dân và giữa dân với dân. Qua những gì thể hiện ở dịch Covid-19, lũ lụt miền Trung cho thấy lòng yêu nước, đoàn kết thương yêu nhau trong dân rất lớn, văn kiện cần thể hiện rõ và nhấn mạnh điều này để phát huy sức mạnh toàn dân tộc.”, ông Nguyễn Túc đề nghị.

Ông Nguyễn Túc cũng đặt vấn đề, trong nhiệm kỳ tới việc xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị cũng phải là điều rất quan trọng để mang lại niềm tin cho dân, tránh những nhũng nhiễu, phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, trong xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật, không tránh né, như thế mới giúp cho đồng chí mình tiến bộ.

Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh tới việc phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, sao cho Đảng luôn luôn là lực lượng tiên phong, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đủ năng lực, quản lý điều hành có hiệu lực và hiệu quả, có nền tư pháp được Nhân dân tin cậy. Đồng thời, mở rộng tính chất liên minh chính trị của Mặt trận dân tộc thống nhất, các đoàn thể các hội quần chúng không bị hạn chế phương thức tập hợp và hoạt động, đa dạng hóa và phong phú hóa sinh hoạt cộng đồng.

Cần dựa vào dân để xây dựng Đảng

Góp ý vào dự thảo các văn kiện, TS Lê Văn Hoạt - Thành viên Hội đồng tư vấn Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị: Về bài học kinh nghiệm, cả trong báo cáo chính trị, báo cáo tổng kết xây dựng Đảng, và trong báo cáo dự thảo chiến lược cần chú trọng hơn đến ba nội dung: Phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại và thực hiện công khai minh bạch.

Theo TS Lê Văn Hoạt, một Đảng mạnh, một chính quyền mạnh là dám tin vào dân, dám công khai nói với dân, báo cáo với dân cả những thiếu sót, khuyết điểm của mình. Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật là bài học quý giá Đảng ta đã rút ra trong quá trình kiến tạo công cuộc đổi mới; tăng cường công khai, minh bạch cũng là bài học kinh nghiệm trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua.

Nhấn mạnh cần đánh giá thực chất về công tác đảng viên và sinh hoạt Chi bộ tại cơ sở, đặc biệt là công tác cán bộ, ông Phạm Lợi - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Việc đánh giá cán bộ, hiểu cán bộ chưa đúng thực chất dẫn đến việc đề bạt, bố trí cán bộ không đúng, sau đề bạt cán bộ vào cương vị mới, phát hiện những khuyết điểm nghiêm trọng phải xử lý, ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Có thể nói việc hiểu cán bộ, đánh giá cán bộ là một khâu yếu, cần được khắc phục bằng cơ chế đánh giá cán bộ.

Ông Phạm Lợi cũng cho rằng, cần dựa vào dân để xây dựng Đảng. Cụ thể, dự thảo báo cáo chính trị nêu: “Tăng cường mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”. Dựa vào dân để xây dựng Đảng là tư duy mới trong công tác xây dựng Đảng, chắc chắn được nhân dân đồng tình. Cần sớm có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội là nòng cốt./.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-dua-vao-dan-de-xay-dung-dang-115742.html