Cần đưa chủ trương tới cơ sở, người dân

Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ 'Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt', được ban hành ngày 30-12-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Ðể Nghị định số 100 sớm đi vào đời sống, phát huy hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền trực quan, sinh động đến tận cơ sở, thôn, làng, vùng bà con dân tộc thiểu số.

Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, được ban hành ngày 30-12-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Ðể Nghị định số 100 sớm đi vào đời sống, phát huy hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền trực quan, sinh động đến tận cơ sở, thôn, làng, vùng bà con dân tộc thiểu số.

Nội dung tuyên truyền bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Gia Rai hoặc Ba Na. Các đoàn thể chính trị phối hợp công an địa phương tổ chức các buổi họp làng tại nhà rông cho hơn 600 thôn, làng, tổ dân phố tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Tỉnh cũng tổ chức hàng nghìn lượt xe loa lưu động tuyên truyền tại các khu vực đông dân cư.

Ðồng thời, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, từ ngày 1-1 đến 14-2, so với thời gian liền kề trước khi triển khai Nghị định số 100, tai nạn giao thông giảm mạnh cả ba tiêu chí: giảm gần 41% số vụ; 40% số người chết; hơn 37% số người bị thương. Lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Việc triển khai, thực hiện Nghị định số 100 trên địa bàn đã tạo chuyển biến nhanh về nhận thức, tư duy của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khi tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền phải đi trước, tới từng ngõ, gõ từng nhà, nâng cao nhận thức, ý thức hành động chấp hành của người dân.

Thực tế ở Gia Lai cho thấy, để các chủ trương, chính sách mới của Ðảng, Nhà nước sớm đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, trước hết cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị phải vào cuộc, công tác tuyên truyền luôn phải đi trước, bảo đảm “phủ sóng” tới cơ sở, người dân. Ðồng thời, lực lượng chức năng thực thi nghiêm các chế tài xử phạt. Thiết nghĩ, kinh nghiệm trên ở Gia Lai càng có ý nghĩa đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

ÐỖ VĂN CHÍNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43513102-can-dua-chu-truong-toi-co-so-nguoi-dan.html