Cần 'dự toán' 500 triệu để nuôi con hay cần 'quẳng gánh lo đi mà vui sống'?

Tôi không biết, nửa tỷ đồng là con số lớn hay nhỏ đối với chủ nhân của bản 'dự toán' chi phí nuôi con nhỏ đang làm 'nóng' các diễn đàn của mẹ bỉm sữa. Riêng tôi, nếu để con số hơn 500 triệu đồng kia ám ảnh, chắc không dám sinh 2 đứa con.

Tôi bước vào cuộc đời làm mẹ sau khi có một đám cưới giản dị, ấm cúng. Chồng tôi có hệ số lương công chức của lực lượng vũ trang. Còn tôi, khi tôi sinh con gái đầu lòng, cũng là lúc tôi không làm ở doanh nghiệp nữa mà thi đỗ vào làm công chức tại một viện nghiên cứu, với 3 năm “chung tình” hệ số lương 2.34. Hệ số lương khác nhau của hai công chức nhà nước, sinh sống tại Hà Nội, đi thuê nhà, thì có gì liên quan chặt chẽ đến việc “cả gan” sinh liên tiếp “ba năm hai đứa”?

Liệu pháp tinh thần mà từng đêm tôi nhíu mày nghĩ về chi phí cho cuộc sống đang tiếp diễn từng ngày với đủ thứ nhu cầu cần phải tiêu tiền là: Trời sinh voi sẽ sinh cỏ!

Nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng, “cỏ” ở đây là thức ăn cho “voi”. Nhưng, sâu xa mà nói, tôi lại quan điểm, “cỏ” mà trời sinh cho “voi”, thực chất là khả năng thích ứng tự nhiên, là quy luật của nguồn lực được tính toán tương thích với tự nhiên.

Thế nên, liệu pháp tinh thần ấy giúp tôi hạn chế tối đa những lo ngại vì đồng lương công chức liệu có nuôi nổi hai đứa con ít nhất là đủ chất hay không? Hay nói cách khác, tôi cứ “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, mà chăm lo từng bữa ăn và giấc ngủ cho năm tháng đầu đời của cả hai đứa con.

Nuôi con khỏe mạnh là tâm huyết của các mẹ bỉm sữa (Ảnh:minh họa)

Mỗi tháng, tôi đóng khuôn 4 triệu đồng để trả tiền thuê nhà. Khoản này, cứ đến hẹn là nộp. Tuy nhiên, khi tôi báo “tháng này nhà cháu có chút việc”, là bà chủ nhà nhẹ nhàng cho nợ. Phía sau cách hành xử này, chính bà chủ nhà cũng dễ hiểu rằng, tổng số tiền nhận từ lương về hằng tháng của vợ chồng tôi, nếu lỡ con ốm là bà nhận được lời hẹn tiền nhà dồn vào tháng sau, là chuyện thường!

Số tiền còn lại còn bao nhiêu, để tôi xoay xở cho cuộc sống của 4 người? Rất nhiều người bạn cứ thắc mắc, sao tôi có thể xoay xở “siêu nhân” thế?

Câu trả lời nằm ở cách nghĩ và làm của một phụ nữ con nhà nông trong tôi, là: Phi nông bất ổn.

Trong những chuyến xe khách từ quê ra Hà Nội, tôi nhẵn mặt tài xế bởi số lần gửi và nhận thực phẩm từ quê gửi ra. Nói không phải là quá, nhưng, hơn 2/3 số thực phẩm mà hai đứa con của tôi chuyển hóa để cơ thể ngày một lớn lên, là có nguồn gốc ở quê, do chính bàn tay các bà ngoại và nội nuôi và trồng.

Gạo, gà, thịt bò, thịt bê, thịt dê, cá, rau sạch, chim câu, chuối, lạc, vừng…đều cứ “bắt xe khách” từ quê ra Hà Nội, theo từng tháng. “Con gái là cái bòn”, ông cha đã đúc kết thế, cho nên, tôi cứ thế mà “bòn’. Tuy nhiên, người đi “bòn” vẫn phải để ý tính giá tối thiểu cho người “bị bòn”. Chính vì lợi thế nhà quê này, mà tôi tránh được những cơn leo thang giá cả ở cái chợ cóc gần nhà, bình tĩnh dành nhiều thời gian để chăm con.

Những dòng thực phẩm mà ở quê không thể có thì tôi mua ở đâu? Sữa chua, cá hồi, phô mai, yến mạch, sữa công thức, sữa tươi… tôi chọn mua ở siêu thị hoặc hàng xách tay có xuất xứ rõ ràng.

Tôi cũng không cộng dồn tiền sữa như bà mẹ bỉm sữa có bản "dự toán" nửa tỷ kia. Nhưng trong suốt 4 năm nuôi 2 đứa con, tôi vẫn cho con uống đủ lượng sữa công thức mà trẻ cần, với nguồn sữa được người quen mua từ Nhật, hoặc Đức.

Yếu tố “người quen” có giảm đi ít chi phí tiền sữa, tức là mua được sữa mà hai đứa con thích uống với giá mềm hơn so với “người lạ” bán trên thị trường. Tính trung bình, mỗi đứa con đang tuổi cần và thích uống sữa công thức, đã tiêu hết khoảng 2,2 triệu tiền của hai lương công chức. Nếu chuyển sang sữa tươi, như con gái đầu, hiện nay cũng chỉ hết hơn 1 thùng sữa tươi/ tháng, giá tầm hơn 500 ngàn đồng.

Những thực phẩm quê như thế này vẫn thường "bắt xe" từ quê ra Hà Nội (Ảnh: minh họa)

Tôi cũng không thuê người giúp việc, cũng không nhờ bà ngoại hay bà nội trông con. Trong 6 tháng nghỉ sinh, tôi tự chăm con, trừ 1 tháng ở cữ thì có người thân giúp đỡ. Còn lại, tự thân "chiến đấu" với mọi yêu cầu tỉ mỉ nhất của một mẹ bỉm sữa hai con.

Hình ảnh tôi tuổi ngoài 30, rất rõ ràng: Mỗi sáng, tôi đẩy chiếc xe chở đứa bé, một tay còn lại dắt đứa lớn đến trường học mầm non. Thâm tâm tôi vẫn xem đây là hình ảnh đẹp nhất vào cuối quãng thanh xuân bận bịu nhất của mình!

Khi đứa thứ hai hơn 6 tháng, tôi phải trở lại công sở. Lúc đầu, cũng loay hoay và tranh cãi với chồng, rằng: Bây giờ nhờ ai hoặc thuê ai để trông con? Nhưng, bài toán chi phí lại đặt ra những câu hỏi tiếp theo, mà lời giải thì khó, khó hơn chứng minh một mệnh đề còn lại như khi học toán phổ thông!

Rất may mắn cho tôi, là vì đã tìm được một bà mẹ bỉm sữa đang nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ. Tôi được chị ấy nhận trông con theo giờ, với giá…bèo bọt. Vì, hơn cả tiền bạc là cách sống mà chúng tôi- những bà mẹ bỉm sữa cùng đi thuê nhà, đã chia sẻ với nhau.

Thế là, tôi cứ hết giờ làm việc (trưa và tối) là về nhà, vào bếp, chuẩn bị từng bát cháo theo thực đơn đổi bữa cho đứa bé ăn dặm. Cả hai đứa con của tôi đều được trông giữ như thế, khi đủ cứng cáp, tôi đều cho vào lớp trẻ của trường mầm non tư thục với mức phí tầm 2 triệu/tháng.

Đến 3 tuổi, tôi cho hai đứa đi học trường mầm non công lập. Lúc đó, chi phí bán trú và học tập của một trẻ tại trường công, là khoảng 1,4 triệu/ tháng, bao gồm việc học thêm tiếng Anh, học vẽ hoặc học múa, học võ.

Những đứa trẻ khỏe mạnh của lớp mầm non công lập trong giờ ngoại khóa (Ảnh: minh họa)

Lại một khoản mà tôi cứ thấy mình là “muỗi” khi so với bảng "dự toán" nửa tỷ của chủ nhân kia, ấy là chi phí sắm sửa đồ dùng cá nhân trẻ.

Trước hai kỳ sinh con, tôi chỉ mất tầm 5 triệu để sắm đồ dùng cần thiết, như: quần áo, chăn gối, tã, bỉm, bình uống sữa… Tôi không mất chi phí vào những thứ như: máy hút sữa, đai, địu, ghế rung...

Tôi cũng nhận vài ba món của mẹ bỉm sửa “hết tuổi sinh đẻ” trao lại như: xe tập đi, quần áo cũ mà còn tươm tất. Tôi cũng để ý, hầu như hai đứa con, đến tuổi tập đi, công dụng của cái xe tập đi không khả dụng là bao, vì những bước chân đầu tiên của con tự nhiên và đẹp đẽ với ba động thái: đứng lên, bước từng bước, rồi ngã, rồi đứng lên! Đúng nghĩa từ “tập đi” của trẻ!

Còn việc tiêm chủng, tôi chọn lọc giữa tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Không phải tất cả những mũi tiêm vào cơ thể hai đứa con đều phải mất tiền. Tính đến nay, tổng số tiền tiêm phòng cho hai đứa con, cũng chưa vượt quá 10 triệu.

Cuộc sống đang từng ngày tiếp diễn, tôi vẫn đang nuôi con theo cách của mình như thế. Tôi quán triệt mình rằng, có 4 thứ mà con không thể thiếu được để có sức khỏe tốt, phát triển đúng chuẩn là: sữa mẹ, sữa công thức, thực phẩm được kiểm soát về nguồn gốc, tiêm phòng đủ mũi.

Còn những thứ có thể bỏ qua do cái ví tiền không cho phép thì cứ bỏ qua. Tuyệt nhiên, tôi nuôi con mà tâm lý cứ điềm nhiên không ảnh hưởng trước bất cứ trào lưu nào! Cũng như, tôi cũng không choáng ngợp trước bất cứ hạng mức tiêu dùng của mẹ bỉm sữa được xếp vào “con nhà đại gia’.

Điều tôi lưu tâm mỗi ngày là: Hôm nay con đã được ra ngoài trời đã hít thở không khí ở một địa điểm ít khói bụi chưa (vì thành phố này đang đầy bụi)? Hay, giấc ngủ của con đã ngon mỗi đêm hay còn quấy? Là tiếng gọi “mẹ” được cất lên đầu tiên trên môi con là từ tháng thứ mấy? Là mỗi năm, con cao lên và nặng hơn được bao nhiêu? Là mỗi đợt dịch bệnh tràn về, mẹ phải bảo vệ con bằng những biện pháp nào.

Những điều trên, tất nhiên, cần có tiền để “lưu thông” trong đó. Nhưng, tôi không bị thúc đẩy bởi các nhu cầu tiêu dùng cao cấp vượt ngưỡng của ví, thời thượng hay chưa cần thiết, nên dễ “quẳng gánh lo đi mà vui sống” chăng?

Trần Minh

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/song-tre/cong-dong-mang/can-du-toan-500-trieu-de-nuoi-con-hay-can-quang-ganh-lo-di-ma-vui-song-53670.html