Cần động viên, khích lệ học sinh

Buổi chiều đón con đi học về, thấy cậu con trai đang học lớp 6 không vui vẻ, phấn khởi như mọi ngày, chị Lan liền hỏi:

Buổi chiều đón con đi học về, thấy cậu con trai đang học lớp 6 không vui vẻ, phấn khởi như mọi ngày, chị Lan liền hỏi:

- Con có chuyện không vui ở trường đúng không?

- Hôm nay con giơ tay phát biểu, trả lời sai bị các bạn cười mẹ ạ. Ðã thế cô giáo còn so sánh con với bạn Thành trước lớp vì bạn trả lời đúng.

- Các con hăng hái giơ tay phát biểu là tốt, dù trả lời đúng hay sai. Lần sau con cứ tiếp tục mạnh dạn giơ tay phát biểu và cố gắng trả lời đúng để cô khen nhé. Có dịp thuận lợi, mẹ sẽ trò chuyện với cô giáo.

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn có hiện tượng giáo viên lấy những học sinh có học lực tốt ra để làm gương, so sánh với những học sinh yếu kém nhằm nhắc nhở, tạo động lực cho học sinh phấn đấu trong học tập. Tuy nhiên, việc so sánh có thể khiến học sinh trở nên áp lực, tự ti, có tâm lý chán học.

Ðể giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDÐT về Ðiều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, việc đánh giá học sinh phải bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ. Bên cạnh đó, giáo viên chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau. Ðáng chú ý, không nên so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, thay vì so sánh, giáo viên hãy chỉ ra những khuyết điểm mà học sinh gặp phải, đồng thời, biểu dương những bài làm tốt, động viên khích lệ những học sinh có tiến bộ, có như vậy học sinh mới phát huy được những điểm mạnh của mình.

Quỳnh Nguyễn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/giaoduc/can-dong-vien-khich-le-hoc-sinh-629871/