Cạn dòng Mekong: Bài 8 - Hạn, mặn ngày càng gay gắt

Ngay sau tết Kỷ Hợi 2019, dự báo ÐBSCL lũ sẽ không về và phải gánh chịu hạn mặn nặng nề. Quả vậy, đến nay thượng nguồn sông Mekong cạn dòng giữa mùa lũ.

NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL xung quanh vấn đề này.

 Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL.

Thưa ông, đến thời điểm này đầu nguồn sông Cửu Long nước lũ vẫn chưa lên. Vậy ông đánh giá như thế nào về mùa lũ năm nay?

Lẽ ra thời điểm này sông Mekong đang đổ nước về mang theo phù sa, tôm cá. Nhưng hiện mực nước sông Mekong ở đoạn Thái Lan đang thấp nhất chưa từng thấy. Theo trang tin của Đài Truyền hình Thai PBS, mực nước Mekong ở vùng Tam giác vàng đang ở mức thấp nhất so với mức thấp kỷ lục năm 1973.

Bản tin của Thông tấn xã Lào cho biết, đập Cảnh Hồng của Trung Quốc cũng giảm một nửa lưu lượng từ 1.050 - 1.250m3/s xuống còn 504 - 600m3/s trong giai đoạn sửa chữa lưới điện. Ngoài ra, đập Xayaburi ở Lào, đập đầu tiên trong chuỗi 11 đập dòng chính ở hạ lưu Mekong cũng đã đóng đập để vận hành thử để chuẩn bị đưa vào vận hành chính thức đầu tháng 10 năm nay.

Ủy hội Sông Mekong (MRC) cũng vừa ra thông cáo, nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay ở mức thấp nhất trong lịch sử, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử và được kỳ vọng sẽ khá hơn vào những tháng tới đây. Dự kiến trong tuần tới, sau khi Xayaburi mở, thì nước sẽ tăng lên ở Vientiane, nhưng không tăng nhiều và dù sao thì tình hình chung là mực nước năm nay vẫn thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình hình mực nước thấp vào mùa lũ như năm nay?

Với một năm trung bình, sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỉ mét khối, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó. Do đó, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về. Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết. Lưu vực Mekong có thể chia làm 2 đoạn gồm thượng lưu vực là phần chảy trong lãnh thổ Trung Quốc và hạ lưu vực là phần từ Lào xuống bờ biển ĐBSCL.

Ở đoạn thượng lưu vực, sông Mekong được gọi là Lan Thương, nguồn nước chủ yếu là từ tuyết tan ở cao nguyên Tây Tạng, đóng góp khá ít vào tổng lượng nước, chỉ chiếm 16% và Myanmar đóng góp 2%, còn lại 82% lượng nước Mekong là do mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia, và ở tại chỗ ĐBSCL.

Nước đầu nguồn sông Mekong đang xuống thấp tại An Giang và Đồng Tháp.

Do đó, có thể nói, lượng mưa ở phần hạ lưu vực tức là tính từ Lào xuống Thái Lan, Campuchia, và tại chỗ ở ĐBSCL là yếu tố quyết định lớn nhất đối với mực nước ĐBSCL. Trong 82% đó, lượng mưa ở phía tả ngạn, tức phía Lào đóng góp đến 35% tổng lượng nước. Phần luu vực từ Thái Lan và Campuchia phía hữu ngạn đóng góp 18% mỗi nơi.

Lượng nước mưa ở vùng hạ lưu vực lại phụ thuộc lớn vào thời tiết, trong đó quan trọng là chu kỳ El Nino và La Nina, lặp lại theo chu kỳ từ 2 - 7 năm. Hiểu ngắn gọn, năm nào có El Nino thì năm đó mưa ít, El Nino càng mạnh thì mưa càng ít và ngược lại năm nào có La Nina trong lưu vực thì mưa nhiều.

Theo dự báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ thì hiện nay đang có tình trạng El Nino yếu và sẽ chuyển trang trạng thái ENSO trung tính trong 1-2 tháng tới. Như vậy, có khả năng lượng mưa trong lưu vực Mekong trong vòng 1-2 tháng tới sẽ còn thấp. Do đó, nguyên nhân số một của mực nước thấp hiện nay là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay.

Thủy điện có phải là một trong những nguyên nhân không, thưa ông?

Ảnh hưởng của thủy điện đối với lượng nước về hạ lưu, để hiểu nguyên nhân của mực nước thấp, cần xét một vài điều: Đầu tiên chúng ta cần nhớ là thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước.

Ngoài ra, cần phân biệt hai loại thủy điện là thủy diện có hồ chứa lớn (tức là các hồ ở đoạn thượng nguồn chảy qua Trung Quốc và trên các chi lưu) có khả năng tích trữ nước và thủy điện đập dâng, cho nước chảy qua trong ngày. Cũng cần phân biệt 3 loại năm, tính theo lượng nước, là những năm lũ lớn, những năm bình thường, và những năm khô hạn vì ảnh hưởng của các đập thủy điện đối với các năm này khác nhau.

Đối với những năm bình thường, tức là đa số các năm, thì các đập có hồ chứa có khả năng tích nước trong mùa lũ và xả ra trong mùa khô, tức là làm giảm đỉnh lũ và tăng dòng chảy mùa khô; còn các đập dâng thì cho nước chảy qua trong ngày, ít ảnh hưởng lượng nước về ĐBSCL. Đối với những năm lũ cao, khi các đập quá đầy nước thì sẽ xả ra đế tránh vỡ đập, do đó gây ra tình trạng lũ chồng lũ cho phía hạ lưu.

Đối với những năm khô hạn, thì các đập sẽ tăng cường tích trữ nước cho đủ cột nước để chạy turbines. Trong một chuỗi đập thì đập bên dưới phải chờ đập trên xả, tích cho đủ cột nước rồi mới xả cho đập bên dưới nữa, làm nước chậm về hạ lưu, làm tình hình khô hạn tồi tệ thêm.

Chúng ta đang trong loại năm khô hạn, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm. Lưu ý rằng thủy điện không phải là nguyên nhân ban đầu, mà là nguyên nhân thứ hai làm cho tồi tệ thêm. Cần nói thêm, tác động chính của thủy điện Mekong là làm giảm phù sa và cát, gây ra sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL và những hệ lụy khác, nhưng đó là chủ đề khác.

Lũ không về sẽ có những hệ lụy nào đối với ĐBSCL, thưa ông?

Năm nay bà con nuôi tôm càng xanh, cá lóc sẽ gặp khó khăn vì nước lũ không về. Nhiều người đã chuẩn bị con giống để thả ra đồng khi nước lên. Nếu nước không lên ngập đồng thì không thả được. Hoặc nếu thả thì phải bơm nước. Nhưng nước bơm lên không phải là nước lũ và không có thức ăn tự nhiên trong đó. Như vậy chi phí thức ăn sẽ tăng cao.

Năm nay lũ không về, nguồn thủy sản tự nhiên giảm

Đáng lo nhất là hạn hán sẽ gay gắt, mặn vào sâu đất liền

Lũ không về thì nguồn thủy sản tự nhiên giảm, cuộc mưu sinh của nhiều người đánh bắt thủy sản tự nhiên sẽ gặp khó khăn.

Sau một năm khô hạn như thế thì năm sau dù có lũ trở lại cá vấn sẽ ít vì chưa kịp phục hồi. Ngoài ra các làng nghề làm ngư cụ đánh bắt thủy sản mùa lũ như làng làm lưới, làm lọp để bán mùa nước nổi cũng đang gặp khó. Nhiều người đã phải bỏ làng lên thành phố tìm việc làm.

"Đáng lo nhất là sau Tết, sang khoảng tháng 3/2020, nếu tình hình mưa ít vẫn kéo dài thì tình trạng hạn hán xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, mặn sẽ vào sâu vào đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Một ảnh hưởng nữa đó là khi dòng sông Mekong yếu thì lượng bùn cát về năm nay sẽ rất ít, đồng bằng sẽ càng thiếu hụt phù sa bùn cát và gia tăng sạt lở trong những năm sau", ông Nguyễn Hữu Thiện .

Theo ông cần có những giải pháp nào trước mắt để hạn chế thiệt hại cho ĐBSCL?

Trước mắt, chính quyền địa phương cần cảnh báo cho người dân vùng lũ về khả năng nước lũ không lên để bà con nuôi thủy sản biết mà lường trước.

Sau Tết, chính quyền địa phương cũng nên thông báo sớm để bà con ven biển biết rủi ro để trước. Đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu.

Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn cũng không có tác dụng lắm.

Đó là vì những vùng mặn ở ĐBSCL như ở bán đảo Cà Mau, mặn là từ trong đất ra. Trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp bán đảo Cà Mau nên đất ở đây mặn.

Vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong.

Riêng đối với nước sinh hoạt thì ngành chức năng cần thông báo sớm cho người dân để tích cực chuẩn bị trữ nước bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương.

Xin cám ơn ông!

>>Cạn dòng Mekong: Bài 7 - Thách thức chưa từng có

>>Cạn dòng Mekong: Bài 6 - Câu chuyện cá linh

>>Cạn dòng Mekong: Bài 5 - Phập phồng sông nước

>>Cạn dòng Mekong: Bài 4 - Những làng chài khô lưới bên sông Tiền

>>Cạn dòng Mekong: Bài 3 - Tứ giác Long Xuyên đóng cống giữa mùa lũ, chuyện chưa từng có

>>Cạn dòng Mekong: Bài 2 - Kịch bản nào cho sản xuất không có lũ?

>>Cạn dòng Mekong: Bài 1 - Khô ráo giữa mùa nước nổi

LÊ HOÀNG VŨ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/can-dong-mekong-bai-8-han-man-ngay-cang-gay-gat-post247327.html