Cần đồng bộ trong việc chống hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc… ngày càng len lỏi vào nhiều lĩnh vực, mọi ngành nghề với các thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý.

Cuối tháng 3 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra, phát hiện hàng nghìn chiếc nón giả thương hiệu nổi tiếng của thế giới tại cơ sở Kiên Nga (số 1224 Nguyễn Văn Quá, phường Tân Thới Hiệp, quận 12). Chủ cơ sở cho biết đã thu mua nón từ các cơ sở, hộ gia đình may gia công, sau đó đem bán sỉ cho các chợ ở thành phố nên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến lô hàng này.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, tại tiệm tạp hóa, cửa hàng và cả những siêu thị cao cấp từ thành thị đến nông thôn. Các loại sản phẩm làm nhái này không chỉ đa dạng về mẫu mã, linh động về giá cả mà còn phong phú về chủng loại. Cùng với đó là hàng nhập lậu, nhiều nhất là hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, thuốc lá… làm điêu đứng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chân chính.

Hàng giả, hàng nhái, buôn lậu… là vấn đề nhức nhối hiện nay của xã hội. Tác động tiêu cực đầu tiên của chúng là làm mất uy tín của những DN có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm chính hiệu. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với hàng thật mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu... Theo Chi cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý nhằm phát hiện kịp thời những vụ vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng. Chi cục sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng đầu cơ, tích trữ, găm hàng, ép giá, tăng giá quá mức, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường để thu lợi bất chính. Cùng với đó, sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nắm tình hình để thực hiện tốt quy trình kiểm tra; tăng cường lực lượng đến những địa bàn trọng điểm, những địa bàn có tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này, cần có sự chung tay, vào cuộc thật quyết liệt của cơ quan chức năng, DN và cả người tiêu dùng.

Ðể nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả, DN cần phải chủ động hợp tác với QLTT, đồng thời chủ động hợp tác cung cấp thông tin, phối hợp, hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật đấu tranh với hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Các cơ quan chức năng cần cung cấp, chia sẻ thông tin pháp luật về chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với DN; minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi làm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả công tác điều tra, xử lý vi phạm.

Người tiêu dùng cần kiên quyết nói "không" với các loại hàng gian, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Mua sắm những loại hàng nhái, người tiêu dùng không chỉ vô tình tiếp tay cho những kẻ làm ăn phi pháp, bất chính mà nhiều khi sẽ gánh chịu hậu quả về sức khỏe do các loại hàng hóa ấy mang lại.

HOÀNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/36000802-can-dong-bo-trong-viec-chong-hang-gia-hang-nhai.html