Cần đồng bộ, quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ môi trường

Chỉ sau hơn một năm thực hiện, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về 'Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo' đã đạt được những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để các mục tiêu của Nghị quyết thành hiện thực, vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành.

Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (huyện Hoài Đức). Ảnh: MINH HÀ

Chuyển biến thực chất hơn

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Ðông, kết quả nổi bật sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 11 là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường đã được đẩy mạnh. Năm 2017, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra gần 2.600 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở với số tiền gần 18,5 tỷ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử phạt 159 cơ sở với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng. Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở TN và MT tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định 187 "điểm đen" về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, Sở TN và MT đang tiến hành phân loại, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm này để đề xuất phương án xử lý, khắc phục.

Thành phố cũng tiếp tục triển khai cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ nội thành bằng chế phẩm Redoxi-3C. Ðến nay, đã xử lý 88 hồ trong khu vực nội thành và 44 hồ khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 61 hồ và máy sục khí trên 49 hồ; tiến hành nạo vét bùn tại tám hồ khác. Ðối với công tác xử lý nước thải sinh hoạt, thành phố đang vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải hiện có, gồm Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Hồ Tây, bảo đảm chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Ðồng thời, ưu tiên nguồn lực để đến năm 2020 tiếp tục đưa vào vận hành các dự án xử lý nước thải Yên Xá; hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực Hà Ðông, Sơn Tây; Nhà máy xử lý nước thải Phú Ðô; trạm xử lý nước thải Ðầm Bẩy (Hồ Tây)…

Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải Ðồng Ké (Chương Mỹ); hai nhà máy tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn; triển khai các thiết bị nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng tại một số điểm trên địa bàn thành phố, đồng thời tăng cường kiểm tra các công trình xây dựng, bảo đảm không phát sinh ô nhiễm môi trường.

Các quận, huyện, thị xã đã chủ động hơn các giải pháp bảo vệ môi trường. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trong một năm qua đã kiểm tra, xử lý 16 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, quận trồng 2.500 cây xanh, xã hội hóa gần 10.000 giỏ hoa tại các trường học nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp hơn. Cách làm này cũng được thực hiện tốt tại các huyện Ðan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì… Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà, mỗi thôn trên địa bàn phấn đấu có ít nhất một tuyến đường hoa, giúp môi trường thêm xanh tươi.

Ðẩy nhanh tiến độ các dự án

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 11. Ðó là việc phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm; việc thực hiện nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết 11 chưa đạt yêu cầu, cần phải tập trung trong thời gian tới.

Trong đó, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải sinh hoạt nội đô và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn còn chậm, chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp nước sạch đến toàn bộ hộ dân khu vực nông thôn khó hoàn thành; việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Ðáy chưa đáp ứng yêu cầu; việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn.

Ðồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, việc triển khai thực hiện các dự án về môi trường nhìn chung tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Ðáy chưa được chú trọng. Việc thu hút các nguồn vốn cải tạo các dòng sông theo hình thức BT là khó khăn, vừa qua lãnh đạo thành phố bàn sẽ chuyển sang sử dụng vốn đầu tư công. Vì đây là nhiệm vụ cấp bách, không thể chờ được nữa; thành phố cũng đã chờ nửa nhiệm kỳ. Việc còn tới 113 cơ sở ô nhiễm phải di dời, tới đây các quận, huyện phải làm kiên quyết tới từng cơ sở.

Ðồng chí Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các công trình xây dựng; các cơ sở kinh doanh, sản xuất; các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề vi phạm về bảo vệ môi trường phải quyết liệt hơn, không làm hình thức. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền phải thấy rõ trách nhiệm trong lĩnh vực này, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra thường xuyên để xử lý.

Các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng

Hiện các dòng sông chảy trên địa bàn Hà Nội, nhất là sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu Bây bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đời sống của người dân các huyện Gia Lâm, Phú Xuyên, Ứng Hòa... ở khu vực hạ lưu các con sông cũng ảnh hưởng nặng. Đề nghị thành phố kiểm soát chặt chẽ việc xả thải các chất thải rắn vào sông; đẩy nhanh tiến độ xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trước khi xả ra môi trường; đưa các khu chăn nuôi ra xa khu dân cư và đẩy nhanh tiến độ dự án tiếp nước sông Tích, xây dựng hệ thống tiếp nước từ sông Tích vào sông Đáy.|

Chu Phú Mỹ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, huyện Ba Vì đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Huyện cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đối với người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng từ bãi rác Xuân Sơn; bảo đảm tình hình an ninh trật tự ổn định trên địa bàn. Đồng thời bàn giao 5,6 ha đất cho Sở Xây dựng đầu tư xây dựng khu xử lý rác công nghệ cao.

Bạch Công Tiến
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì

Không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, huyện Ba Vì đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, không để xảy ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Huyện cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đối với người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng từ bãi rác Xuân Sơn; bảo đảm tình hình an ninh trật tự ổn định trên địa bàn. Đồng thời bàn giao 5,6 ha đất cho Sở Xây dựng đầu tư xây dựng khu xử lý rác công nghệ cao.

Bạch Công Tiến
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì

Ðắc Sơn và Quốc Toản

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37719402-can-dong-bo-quyet-liet-hon-trong-cong-tac-bao-ve-moi-truong.html