Cần đồng bộ quy hoạch điện với các quy hoạch khác

Theo ngành Điện, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng quá tải đường truyền, trạm biến áp và thiếu điện cục bộ ở một số khu vực là do nhiều công trình xây dựng bị chậm tiến độ. Quy hoạch phát triển điện của ngành Điện chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của tỉnh dẫn đến quá trình triển khai các dự án gặp nhiều vướng mắc.

Nhân viên ngành điện kiểm tra hệ thống truyền tải điện mặt trời nối lưới tại Công ty CP Khải Toàn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Ban Mai

Nhân viên ngành điện kiểm tra hệ thống truyền tải điện mặt trời nối lưới tại Công ty CP Khải Toàn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Ban Mai

Để khắc phục tình trạng này, cần tích hợp và đồng bộ các quy hoạch của ngành và của tỉnh.

* Còn nhiều vướng mắc trong xây dựng

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho rằng, các công trình xây dựng của EVNSPC trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 đều bị chậm tiến độ, có công trình 5 năm chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân là do các công trình xây dựng có tuyến đường dây đi qua nhiều địa bàn, nhiều vị trí, ngành Điện gặp nhiều khó khăn trong khảo sát, thẩm định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Về quy hoạch, hiện quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của tỉnh chưa đồng bộ, khiến ngành Điện mất nhiều thời gian để thỏa thuận vị trí xây trạm và hướng tuyến. Bên cạnh đó, việc khai thác lộ ra 22kV từ các trạm 110kV cũng gặp vướng mắc trong thỏa thuận tuyến.

“Để đảm bảo các công trình đầu tư xây dựng từ năm 2021 trở về sau được đưa vào vận hành đúng tiến độ, cung cấp điện đầy đủ, ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố về điện, chúng tôi kiến nghị Sở Công thương rà soát, bổ sung danh mục các công trình điện vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh; cập nhật điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai theo chu kỳ 5 năm” - ông Hợp nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc PC Đồng Nai cho rằng, khi đồng bộ các quy hoạch điện, xây dựng, sử dụng đất từ tỉnh đến huyện thì danh mục các dự án điện dự kiến triển khai xây dựng theo từng năm, từng giai đoạn sẽ được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện. Ngành Điện sẽ giảm tải được thời gian khảo sát, thẩm định giá đất. Việc công khai danh mục các dự án điện trong quy hoạch xây dựng cũng giúp người dân, tổ chức nắm bắt được thông tin các trạm, lộ ra của trạm và có sự hợp tác tốt hơn với chính quyền địa phương và ngành Điện trong xây dựng trạm, trụ, đường dây lưới điện.

* Cần sự đồng bộ

Tại buổi làm việc với lãnh đạo EVNSPC và PC Đồng Nai mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, hiện một số khu vực đã xảy ra quá tải đường truyền, thiếu điện cục bộ tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân và gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh vào các khu, cụm công nghiệp. Ngành Điện cần hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án đang triển khai.

Trong 5 năm tới, Đồng Nai sẽ có thêm hàng loạt công trình, dự án có nhu cầu sử dụng điện cao được triển khai và đưa vào hoạt động; nhiều khu, cụm công nghiệp được mở rộng và đầu tư mới, do đó EVNSPC và PC Đồng Nai cần tính toán và quy hoạch các công trình xây dựng cho phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh điện lưới quốc gia, ở Đồng Nai còn có nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời và một số dự án thủy điện khác như: Tân Phú 1, 2, 3 và La Ngà, do đó ngành Điện cũng quan tâm phát triển hệ thống lưới điện phân phối, truyền tải tổng thể. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện tại, hầu hết các hồ chứa nước đều có nhà đầu tư xin chủ trương lắp đặt pin năng lượng mặt trời, tuy nhiên, hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng được.

Liên quan đến quy hoạch phát triển điện trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện tại các địa phương cấp huyện đang hoàn tất quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, ngành Điện phải nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch để tích hợp vào quy hoạch chung. Sở Công thương và Sở KH-ĐT rà soát các khu vực có nhu cầu sử dụng điện cao, khu vực có nguy cơ thiếu điện để ngành Điện lập phương án đầu tư tổng thể các trạm, tuyến đường nhánh nhằm nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng. Các sở, ban, địa phương hỗ trợ ngành Điện triển khai xây dựng các công trình góp phần ổn định nguồn cung và tạo nên sức hút đầu tư cho tỉnh.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202012/can-dong-bo-quy-hoach-dien-voi-cac-quy-hoach-khac-3034226/