Cân đối vốn để cho vay lĩnh vực ưu tiên

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, các NHNN địa phương nên mở rộng phạm vi kết nối ngân hàng với các lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Theo ông Trần Ngọc Tâm - Tổng Giám đốc NamA Bank, tín dụng ưu tiên cho các lĩnh vực Chính phủ khuyến khích (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) được ngân hàng dồn vốn về các chi nhánh tỉnh thành cho vay. Đến nay dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng chiếm tỷ trọng 29% trên tổng dư nợ của NamA Bank.

NHNN liên tục có những khuyến nghị các NHTMCP cho vay lãi suất lĩnh vực ưu tiên

Thực ra, hoạt động cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển sản xuất kinh doanh thời gian qua chủ yếu do các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối cho vay. Sự lệch pha này một phần do những ngân hàng NHTM có vốn Nhà nước chi phối, có lợi thế nguồn vốn huy động từ các nguồn ngân sách như vốn kho bạc, tổng công ty Nhà nước… nên đã bình quân giá vốn, tạo ra một lượng vốn giá rẻ nhất định để cho vay phát triển sản xuất theo định hướng của Chính phủ.

Trong khi đó các NHTMCP mải chạy theo các chỉ tiêu lợi nhuận của cổ đông nên nhiều ngân hàng chưa chú trọng các chương trình tín dụng cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên.

Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đối với những kỳ hạn dưới 12 tháng bằng VND hiện có quy định không được vượt quá 6,5%/năm, trong khi trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đang được giới hạn bởi trần lãi suất 5,5%/năm. Điều này đã tạo ra khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập và chi phí của nhiều ngân hàng bị thu hẹp nếu không khéo tiết giảm chi phí hoạt động. Trong khi mặt bằng giá vốn đầu vào của các NHTMCP thường cao hơn các NHTM có vốn Nhà nước chi phối. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, phân định kỳ hạn chỉ mang tính tương đối cho các ngân hàng tính toán các chỉ số an toàn vốn, các ngân hàng đâu có phân biệt “đồng nào mua mắm đồng nào mua tương”?!

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 6/2018, tổng dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 158.265 tỷ đồng với 36.304 khách hàng vay vốn. Trong đó, nông nghiệp nông thôn đạt 25.703 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 18.754 tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 104.743 tỷ đồng, công nghiệp hỗ trợ đạt 7.935 tỷ đồng, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 130 tỷ đồng. Tổng giám đốc một NHTMCP ở TP.HCM nói: “Với NHTMCP chúng tôi cố gắng dùng một phần vốn cho vay theo chính sách lãi suất các đối tượng ưu tiên chứ không thể nào cho vay phổ biến trong danh mục được. Lãi suất chính là giá vốn của các ngân hàng, thực tế nếu thấy có lợi ích không có ngân hàng nào neo lãi suất cho vay cao để khách hàng không tới với mình”.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, các NHNN địa phương nên mở rộng phạm vi kết nối ngân hàng với các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Ví như, OCB đang thực hiện thí điểm cho vay người nông dân ở tỉnh Vĩnh Long với lãi suất 6%/năm. Người nông dân vay vốn nhưng lại gửi tiền vào ngân hàng mình, ngân hàng liên kết bán bảo hiểm cho người nông dân và ngân hàng chính là cầu nối cho họ tiếp cận những bệnh viện tốt hơn ở thành phố. Trong quá trình cho vay liên kết chuỗi, ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ người nông dân có vốn làm ăn và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng các dịch vụ tài chính mà ngân hàng lại có thu nhập khá tốt.

Cho vay lĩnh vực ưu tiên luôn được Chính phủ, NHNN khuyến khích và sự tham gia ngày càng tích cực của các NHTMCP cho thấy các nhà băng này đã phải cân đối, tính toán để mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng.

Hải Nam

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/can-doi-von-de-cho-vay-linh-vuc-uu-tien-79036.html