Cân đối ngân sách thường xuyên địa phương cho công tác hòa giải

Việc thực hiện các quy định về chế độ đại ngộ cho hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế, có nơi chưa thực hiện được do không có kinh phí, vì vậy khó động viên, khích lệ được phong trào hòa giải nói chung cũng như sự tham gia của hòa giải viên nói riêng.

Hoạt động ý nghĩa

Hoạt động hòa giải trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực khi Thủ đô là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình "Tổ hòa giải năm tốt" và tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở. Ðây là mô hình được Sở Tư pháp phối hợp Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong Chương trình Ðề án II của chương trình phòng chống tội phạm. Mô hình được nhân rộng đến tất cả các xã, phường, thị trấn, qua đó giải quyết các vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật mức độ nhỏ, chưa đáng xử lý bằng hình sự, hành chính trên địa bàn dân cư. Kinh nghiệm cho thấy, đối với những vụ việc như vậy, các tổ hòa giải phát hiện kịp thời và tập trung giải quyết ngay tại cơ sở. Những người tham gia giải quyết hòa giải hiểu biết pháp luật và có uy tín ở cộng đồng dân cư đã kiên trì hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp.

Điều kiện vật chất để bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên còn nhiều hạn chế

Điều kiện vật chất để bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên còn nhiều hạn chế

Thực tế, khi hòa giải một vụ việc, nhất là các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp về quan hệ hôn nhân - gia đình hay tranh chấp đất đai... hòa giải viên phải mất nhiều thời gian, công sức cả về kinh phí để hòa giải các bên, giúp các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Đặc biệt, đối với những vụ việc phức tạp, nan giải như trường hợp tranh chấp đất đai thì ngoài việc cần nắm vững kiến thức pháp luật chung, pháp luật về đất đai, kinh nghiệm hòa giải, đòi hòi hòa giải viên phải tự mình tìm hiểu, xác minh các thông tin ở địa phương, tổ chức liên quan, người có uy tín, những người biết về nguồn gốc sự việc mâu thuẫn... để phân tích, giải thích, thuyết phục các bên thương lượng, tự giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp cho hợp tình, hợp lý, đạt kết quả.

Trong những trường hợp như thế, việc hòa giải không chỉ tiến hành một, hai lần mà có thể nhiều lần, có vụ việc phải kéo dài khá lâu mới đạt được kết quả hòa giải thành. Từ đó cho thấy, để vụ việc được hòa giải thành, các hòa giải viên đã phải bỏ ra rất nhiều công sức.Khi vụ việc được hòa giải thành thì không có giá trị tinh thần, tài chính nào có thể đo đếm được. Kết quả mang lại là gia đình êm ấm, trật tự an ninh cơ sở, tổ dân phố được ổn định, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân và Nhà nước.

Một trong những khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay đối với công tác hòa giải ở cơ sở là chế độ tài chính và các điều kiện vật chất khác hỗ trợ, bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên.

Đảm bảo điều kiện cho hòa giải viên

Việc hỗ trợ, trang bị tài liệu pháp luật để hòa giải viên tự nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao năng lực hoạt động cũng như việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên còn rất hạn chế. Tài liệu pháp luật cũng như các tài liệu hướng dẫn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cung cấp cho tổ hòa giải, hòa giải viên rất thiếu, chưa cập nhật và thiếu tính hệ thống. Hầu hết hòa giải viên chưa được bồi dưỡng đầy đủ, toàn diện nội dung kiến thức theo Chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành…

Việc đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên hiện nay tại các địa phương không đồng đều, thiếu thống nhất, thiếu cơ chế đầu tư tổng thể, toàn diện từ Trung ương đến địa phương; không huy động được các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác, khí hậu khắc nghiệt, trong khi số lượng tổ hòa giải không nhiều, lực lượng hòa giải viên lại mỏng dẫn đến hoạt động của các tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, nên việc thuyết phục người dân giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật gặp không ít khó khăn.

Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua và kết quả báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở tại các địa phương trong cả nước cho thấy rằng, kinh phí và các điều kiện vật chất khác để bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên còn rất hạn chế, chưa thực sự cổ vũ, động viên đối với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật Hòa giải ở cơ sở “ngân sách Trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở” cho phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” để áp dụng thống nhất các quy định pháp luật hiện hành liên quan trên cả nước. Một khi có những quy định cụ thể, phù hợp, huy động được nguồn lực thực hiện sẽ giúp giải quyết khó khăn trong việc tự cân đối ngân sách thường xuyên ở nhiều địa phương cho công tác hòa giải.

Anh Hùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-doi-ngan-sach-thuong-xuyen-dia-phuong-cho-cong-tac-hoa-giai-247666.html