Cần đổi mới công nghệ thư viện

Hiện nay, con người ngày càng có xu hướng sử dụng các tài liệu điện tử, số hóa, bởi nó mang đến nhiều tiện ích, nhanh, dễ dàng và đặc biệt là không cần phải di chuyển… Điều đó khiến cho nhiều thư viện đang đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc. Với thời đại mới, công tác lưu trữ và thông tin thư viện còn cần thiết nữa không, và thư viện truyền thống làm cách nào để duy trì sự tồn tại?

Thư viện Văn hóa Thiếu nhi Việt Nam có không gian về âm nhạc, trò chơi, phòng chiếu phim, từ đó kích thích sự sáng tạo, ham tìm hiểu, xây dựng niềm vui và thói quen đọc sách. Ảnh: Anh Tuấn

Thực tế cho thấy, với hệ thống các kênh thông tin đa dạng, có tính tiện ích cao như hiện nay, nhiều người đã lựa chọn cách đơn giản nhất là tìm kiếm thông tin cần thiết qua internet, mà không còn đến thư viện như trước nữa. Mặt khác, những thông tin có phần còn dễ dàng tìm kiếm trên các trang web, hoặc tra cứu thông tin tại nhà qua máy tính bất cứ lúc nào, chứ không mất thời gian đến thư viện. Kể cả những người nghiên cứu khoa học, làm việc cần nguồn tư liệu lớn cũng chọn cách làm việc trên nền internet. Đó là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ số hóa hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận, sự phát triển của công nghệ khiến ngành thư viện phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách so với cộng đồng thư viện thế giới. Nếu không xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng bộ sưu tập số với một hệ thống các cơ sở dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thư viện sẽ mất vị thế của mình với vai trò là nơi cung cấp thông tin và tri thức.

Thêm vào đó, công nghệ phát triển cũng mang đến những thách thức trong việc đảm bảo an toàn thông tin, nhất là khi người sử dụng có thể truy cập dữ liệu ở mọi lúc, mọi nơi, thì việc làm thế nào để dữ liệu được trao đổi một cách an toàn giữa các hệ thống cũng là một thách thức được đặt ra cho các thư viện. Bên cạnh đó, việc đảm bảo chất lượng và sự trong sạch của dữ liệu cũng là một thách thức, đòi hỏi các thư viện phải quan tâm...

Dù còn nhiều thách thức, song theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, cách mạng công nghệ 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra cho ngành thư viện nhiều cơ hội để phát triển. Với sự phát triển của công nghệ, các thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở, vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện.

Cùng với việc xây dựng bộ sưu tập các tài liệu in, tài liệu đa phương tiện, nhiều thư viện đã chủ động thu thập dữ liệu, tài liệu số; xây dựng các chính sách để truy cập, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; tiến hành xử lý, lưu trữ và bảo tồn, quản lý dữ liệu; truyền thông, tổ chức cho mọi người, mọi đối tượng bạn đọc sử dụng. Bên cạnh đó, các thư viện có thể thực hiện việc truyền thông, cung cấp dịch vụ và sự truy cập tài liệu cho bạn đọc mọi nơi mọi lúc, không bị giới hạn về không gian và thời gian. Đây là cơ hội để các thư viện phát triển số lượng lớn bạn đọc trực tuyến, góp phần hỗ trợ cho bạn đọc, bao gồm cả người khuyết tật học tập suốt đời từ xa...

Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi ngành thư viện phải có những biện pháp thích hợp thu hút cộng đồng tham gia. Trong đó, mô hình “Không gian chia sẻ S.hub” phục vụ sinh viên và giới trẻ, được đánh giá là một mô hình hoàn thiện trong việc kết hợp thiết bị công nghệ với nguồn tài nguyên tri thức của thư viện và các hoạt động mang tính định hướng và truyền cảm hứng để tạo nên một không gian học tập, chia sẻ tri thức cho giới trẻ Việt Nam.

Mô hình “Không gian chia sẻ S.hub” được hình thành và thử nghiệm đầu tiên tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Thư viện Quốc gia Việt Nam. Không chỉ là một không gian hiện đại được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ tiên tiến như: Màn hình trình chiếu LFD, ti vi thông minh, máy tính màn hình cong, máy tính bảng, màn hình tương tác thông minh... nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu và các hoạt động tương tác của người sử dụng với mục tiêu tạo ra nhiều giá trị tri thức hơn, S.hub còn cung cấp nền tảng trực tuyến để người tham gia có thể đăng ký và tổ chức các hoạt động rèn luyện, phát triển năng lực bản thân, chia sẻ tri thức với mọi người...

Ở nhiều địa phương, mô hình xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện, mang tri thức đến nhiều vùng miền cũng là một trong những giải pháp hữu ích để phát triển thư viện. Không chỉ mang hàng nghìn đầu sách đến tận nơi, mà ô tô thư viện lưu động còn được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như: Máy tính, máy chủ, máy chiếu, đĩa DVD, CD, các tài liệu điện tử, phần mềm cài đặt cho xe giúp thư viện có thể quản trị tốt vốn tài liệu truyền thống và tài liệu điện tử, một số xe còn được hỗ trợ thêm các thiết bị phục vụ người khiếm thị, cài đặt phần mềm phục vụ người khiếm thị, sách nói...

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện công cộng theo các mô hình mới, theo xu hướng tiện ích, sáng tạo, đa chức năng là giải pháp cần thiết để thư viện tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-doi-moi-cong-nghe-thu-vien/