CÂN ĐỐI GIỮA CƠ CẤU VÀ CHẤT LƯỢNG VIỆC CHỌN ĐẠI BIỂU NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG QUỐC HỘI KHÓA XV

Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt trong chiến lược chung phát triển quốc gia và bảo đảm tính hội nhập và phát triển, vì vậy bên cạnh đáp ứng được nhiều đại biểu người dân tộc thiểu số ở các dân tộc khác nhau thì điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng đại biểu.

Lớp tập huấn kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số

Yếu tố lịch sử, xã hội và văn hóa luôn được nhấn mạnh trong cách tiếp cận đối với các vùng, các dân tộc để đảm bảo sự hài hòa và phù hợp, sự áp đặt về mặt chính sách dễ vấp phải những phản ứng mang tính tự nhiên của cộng đồng xã hội, đặc biệt khi tạO nên những xung đột về văn hóa, tập quán. Mỗi vùng, mỗi dân tộc có những sắc thái riêng nên không đồng nhất trong thực thi chính sách cho các dân tộc. Theo đó, các đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số sẽ có các đóng góp để hoàn thiện các chính sách dân tộc trên cơ sở sự thấu hiểu các đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội của dân tộc mình, cộng đồng nơi mình đang sống. Tuy nhiên chính sách phải đặt trong chiến lược chung phát triển quốc gia và bảo đảm tính hội nhập và phát triển, vì vậy bên cạnh đáp ứng được nhiều đại biểu người dân tộc thiểu số ở các dân tộc khác nhau thì điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng đại biểu.

Thực tiễn cho thấy ngay từ Quốc hội khóa I, trong danh sách 333 đại biểu trúng cử đã có 34 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ hơn 10% trong đó có thể kể đến các đại biểu tiêu biểu như Y Ngông Niê Kđăm, Vương Chí Thành, Nguyễn Tri Phương, ...

Tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số không ngừng tăng lên qua các khóa Quốc hội. Quốc hội khóa II có số đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số là 56; Quốc hội khóa III có 60; Quốc hội khóa IV có 73, ...Quốc hội các khóa sau, số lượng đại biểu quốc hội tăng dần, đến khóa XIV có 86 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khóa I đến khóa XIV, đã có 49/53 đồng bào dân tộc thiểu số có đại biểu tham gia Quốc hội.

Đại biểu Người dân tộc thiểu số cũng đã giữ các cương vị cao trong Quốc hội như Chủ tịch Quốc hội khóa IX, khóa X Nông Đức Mạnh hay Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV Tòng Thị Phóng...

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội người dân tộc tiếp tục được quan tâm nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc, trong cơ cấu về số lượng người dân tộc thiểu số được đưa ra trong khóa XV là có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đây cũng là tỉ lệ đại biểu trúng cử mong muốn đạt được, tương đương với khoảng 90 đại biểu.

Một mục tiêu nữa được đưa ra trong cơ cấu đại biểu dân tộc thiểu số là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV phấn đấu có đại diện của 4 dân tộc thiểu số rất ít người chưa có đại biểu trong 14 khóa Quốc hội là các dân tộc Ơ Đu, Rơ Măm, Lự, Ngái. Tuy nhiên cơ cấu đại biểu các dân tộc bên cạnh rất nhiều cơ cấu khác và đặc biệt là phải đảm bảo chất lượng cũng đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, hiện nay trong cơ cấu đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số đang phải kết hợp nhiều yêu cầu tiêu chuẩn vì vậy rất khó để đảm bảo chất lượng, đối với các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Kon Tum là các tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn, phải làm thế nào để cân đối được đại diện của nhiều dân tộc nhất vào Quốc hội cũng rất khó khăn trong việc lựa chọn để đảm bảo sự đồng thuận của đông đảo cử tri. Nhưng trước mắt, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo môi trường thuận lợi để các ứng cử viên thể hiện được khát khao hành động của mình, nhận được sự tín nhiệm của cử tri bằng năng lực và phẩm chất cá nhân.

Về việc lựa chọn đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Ykhút Niê nêu rõ, việc lựa chọn, quy hoạch đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ tới cần phải lựa chọn những người có kinh nghiệm và có kiến thức tổng hợp, nếu chỉ đại diện cho một ngành, một dân tộc sẽ thiếu sự bao quát và thiếu kiến thức tổng hợp để có đánh giá toàn diện dựa trên lợi ích của cả quốc gia.

Đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho một dân tộc, một vùng mà còn là đại diện cho cử tri cả nước, Quốc hội không chỉ tham gia vào quyết định chính sách dân tộc mà quyết định tất cả các vấn đề quốc gia đại sự. Vì vậy việc lựa chọn đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số dựa trên tổng thể tỷ lệ dân tộc thiểu số nhưng để đảm bảo tỷ lệ trúng cử cao cần phải lựa chọn những người có uy tín trong cả vùng miền chứ không phải chỉ riêng cho dân tộc mình, ngoài ra cần phải có sự quy hoạch về nhân sự dài hơi, để các nhân sự được bố trí ở nhiều vị trí để rèn luyện bản lĩnh và có nhiều kiến thức về cơ sở, và đào tạo bồi dưỡng dần dần để các ứng viên có các kỹ năng và trình độ cần thiết, có năng lực thực sự, nhận được sự tín nhiệm của nhân dân.

Chia sẻ về việc cân đối giữa cơ cấu và chất lượng trong việc chọn đại biểu người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, cần phải đào tạo bồi dưỡng thường xuyên đối với các đại biểu Quốc hội ở các lĩnh vực khác nhau, ngoài việc tổ chức theo kế hoạch, theo giai đoạn thì cần đánh giá thực tiễn, bổ sung điều gì quan trọng trong từng giai đoạn đối với từng đại biểu. Đồng thời giúp họ có kỹ năng phương pháp giám sát thực tiễn đầy đủ hơn đúng các nội dung cần đạt tới trong các lĩnh vực khác nhau bởi việc giám sát của đại biểu dân tộc thiểu số tập hợp được nhiều tư tưởng, tình cảm, khát vọng, nhu cầu thực tiễn và cả những thay đổi cần có để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiệm kỳ vừa qua các đại biểu là người dân tộc thiểu số phát huy được trách nhiệm, nghĩa vụ và cả quyền lợi của mình để đại diện cho hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, họ đã lắng nghe tiếng nói của nhân dân bằng rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, và chuyển tải tới nghị trường quốc hội với nhiều ý kiến quan trọng góp phần hoàn thiện chính sách dân tộc, đóng góp vào thành tựu to lớn của Quốc hội nhiệm kỳ qua và chúng ta cũng kỳ vọng và mong đợi vào hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội sắp tới. Muốn đạt được kỳ vọng đó điều quan trọng nhất vẫn là mỗi một cử tri cần sáng suốt trong việc lựa chọn người đại diện cho mình, lựa chọn người có tâm, có tầm, có khát khao hành động để đóng góp vì sự phát triển của mỗi một dân tộc và của cả đất nước./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=55255